Dòng sự kiện:
Quảng Ninh không cho phép tách thửa nếu thửa đất ở sau khi tách nhỏ hơn 45m2
03/08/2021 14:17:12
Từ ngày 15/8/2021, Quảng Ninh sẽ không cho phép tách thửa đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà diện tích các thửa đất sau khi tách thửa nhỏ hơn 45m2, chiều rộng và chiều sâu nhỏ hơn 4,5 m...


Ảnh minh hoạ

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành quyết định 39/2021/QĐ-UBND quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở; quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Nhà xây trước 20/12/2007 không có tranh chấp sẽ được tách thửa và cấp giấy chứng nhận

Với quyết định này, thì từ ngày 15/8 tới, Quảng Ninh sẽ không cho phép tách thửa đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất nông nghiệp là đất vườn ao, đất trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm trong cùng thửa đất có nhà ở; đất trồng cây phù hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở và tiếp giáp với thửa đất có đất ở hoặc nhà ở đủ điều kiện công nhận đất ở mà diện tích các thửa đất sau khi tách thửa nhỏ hơn 45m2, chiều rộng và chiều sâu nhỏ hơn 4,5 m (không kể diện tích lối đi và phần đất dành cho hạ tầng kỹ thuật…)

Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (45m2), đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với hợp thửa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, văn bản phân chia di sản, thừa kế một phần thửa đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp từ ngày 20/12/2007 (ngày quyết định 4505/2007 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định về hạn mức tách thửa có hiệu lực) đến trước ngày 01/7/2014 (khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) mà diện tích các thửa đất tách ra có diện tích, kích thước tương đồng diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa quy định tại quyết định 4505/2007 thì giải quyết tách thửa theo hợp đồng, văn bản đó.

Với các trường hợp đã xây dựng nhà ở trước 20/12/2007 nhưng đến nay mới tiến hành làm thủ tục tặng, cho, chuyển nhượng, thừa kế, phân chia di sản theo quy định của pháp luật, thì dựa trên ranh giới đất thực tế đang sử dụng, UBND cấp huyện xác định chính xác nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng nhà ở của các hộ dân để thực hiện việc tách thửa và cấp giấy chứng nhận theo hiện trạng nhà ở các hộ gia đình đang quản lý, sử dụng xây dựng nhà ở với nguyên tắc không có tranh chấp.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà ở từ 20/12/2007 đến trước ngày 01/7/2014 và không bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản yêu cầu phá dỡ, đến nay mới tiến hành làm thủ tục tặng, cho, chuyển nhượng, thừa kế, phân chia di sản theo quy định thì UBND cấp huyện xác định chính xác thời điểm xây dựng nhà ở của các hộ dân. Nếu đến nay phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm đất ở thì cho phép tách thửa đất có nhà ở theo hiện trạng sử dụng nhưng phải đảm bảo thửa đất còn lại (nếu có) không có nhà ở sau khi tách ra và có kích thước chiều rộng không nhỏ hơn 3,6m và diện tích không nhỏ hơn 36m2.

“UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về nguồn gốc sử dụng đất hợp pháp, thời điểm xây nhà ở của các hộ gia đình và cấp giấy chứng nhận uyền sử dụng đất theo đúng trình tự và xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có) đảm bảo đúng các quy định hiện hành”, quyết định 39/2021 nêu rõ.

Không tách thửa đối với đất không có lối vào

Ngoài ra, quyết định này cũng quy định cụ thể diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp khu vực nhà nước chưa có quy hoạch hoặc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là đất nông nghiệp.

Theo đó, với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, thì diện tích các thửa đất sau khi tách thửa không nhỏ hơn 500m2; đất nuôi trồng thuỷ sản không nhỏ hơn 1000m2; đất trồng cây lâu năm không nhỏ hơn 1000 m2; đất rừng sản xuất không nhỏ hơn 3000m2.

Quảng Ninh sẽ không phê duyệt tách thửa đất đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất nông nghiệp trong các trường hợp: Thửa đất đề nghị tách thửa thuộc diện nhà nước thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm cả trường hợp chưa và đã có thông báo thu hồi đất.

Tuy nhiên, với các thửa đất thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị, các dự án phát triển ở nhà, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở… đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng), thì việc tách, hợp thửa tuân theo quy hoạch điều chỉnh.

Đất trong khu vực bị ô nhiễm môi trường và đất có nguy cơ sạt lở, sụn lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe doạ tính mạng con người; Thửa đất sau khi tách ra không có đường đi vào thửa đất, không có phương án kết nối giao thông, hệ thống thoát nước, kết nối đồng bộ với giao thông hiện hữu và chưa thi công hoàn thành đường giao thông, hệ thống thoát nước phù hợp theo quy định tại pháp luật cũng không thuộc diện được phép tách thửa.

Theo Luật Đất đai 2013:

Hạn mức giao đất ở tại các xã đồng bằng không quá 300m2/hộ; các xã trung du, miền núi, hải đảo không quá 400m2/hộ.

Hạn mức giao đất ở tại đô thị: khu vực có hạn mức giao đất ở không quá 120m2/hộ là đất bám quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông có chiều rộng mặt đường từ 3m trở lên, ô tô đi lại thuận lợi, đất bằng trong khu tập trung đông dân cư hoặc trung tâm các phường, thị trấn; Khu vực không quá 200m2/hộ là đất có địa thế tương đối bằng phẳng, có đường đi lại thuận lợi, có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 3m; Không quá 300m2/hộ là đất trên đồi hoặc trong thung lũng, địa hình tương đối phức tạp, đi lại gặp khó khăn; Không quá 400m2/hộ là đất khu vực đồi núi co hoặc thung lũng sâu, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn.

Tác giả: Phan Nam

Theo: VnEconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến