Sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tham dự Phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với quyết tâm đổi mới, tinh thần khẩn trương, tích cực cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa, Quốc hội đã thống nhất rất cao về các nội dung, thời gian, chương trình cũng như cách thức tổ chức Kỳ họp.
Kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong đúng 16 ngày.
Kỳ họp được tổ chức thành 02 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Quốc hội đã đổi mới cách thức tổ chức Kỳ họp theo hình thức trực tuyến như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp kết quả thảo luận tổ… Đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 08 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường. Có thể nói, thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19, tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 30 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã thống nhất rất cao thông qua các Nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; và nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 2.
Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được xem xét, quyết định theo tầm nhìn dài hạn, đồng thời phân bổ, sử dụng phù hợp, linh hoạt cho từng giai đoạn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về công tác phòng chống dịch, Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết 30 của Quốc hội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đến nay dịch cơ bản được kiểm soát; các địa phương đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới bùng phát tại các cơ sở sản xuất, thương mại và trường học, cho thấy tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; không được để dịch bùng phát trở lại.
Quốc hội giao Chính phủ, trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, trong đó có kế hoạch phân bổ, sử dụng vắc xin nói chung và cho người cao tuổi, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp việc tiêm vắc xin cho trẻ em; xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống có thể còn phức tạp hơn. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch công khai, minh bạch, ngăn ngừa và xử nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công – tư trong công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng theo phương châm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” để bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế được ban hành và thực hiện kịp thời, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sức cầu nền kinh tế còn yếu; thu - chi ngân sách vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với ngân sách trung ương; phân bổ, giải ngân đầu tư công vẫn là điểm yếu chưa được tháo gỡ triệt để; công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn không đạt mục tiêu đề ra; hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đang chậm lại, thị trường vốn trung và dài hạn còn hạn chế. Triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức; nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.
"Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về công tác lập pháp, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 02 dự án luật, cho ý kiến 05 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của Kỳ họp, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn; tiếp tục góp phần quan trọng thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng.
Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát thông qua nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
Qua 02 ngày rưỡi tiến hành chất vấn đối với 04 vị Bộ trưởng, có sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các vị Trưởng ngành về các nhóm vấn đề: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số 170 lượt đại biểu phát biểu (trong đó, 134 lượt chất vấn, 12 lượt đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt tranh luận đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp thực tế, mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào, Nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình. Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn; đồng thời, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và các nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ thời gian qua đã có nhiều cố gắng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực được phân công, nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, cơ bản nắm vững tình hình về lĩnh vực được chất vấn, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, làm rõ vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp khắc phục nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Quốc hội, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá tốt. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng cử tri và Nhân dân."
Để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp này, Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục bất cập, hạn chế.
Các vị đại biểu Quốc hội báo cáo cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật; giám sát; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: "Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra đúng dịp Kỷ niệm 75 năm ngày ra đời Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ; trong đó, tư tưởng cốt lõi xuyên suốt là các giá trị dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Hơn 75 năm qua, Quốc hội các khóa luôn lấy đó làm tôn chỉ hoạt động. Quốc hội khóa XV sẽ tiếp nối, kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm đổi mới trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV"./.