Dòng sự kiện:
Quy hoạch ngành thép, nhưng không đánh đổi môi trường
30/12/2016 13:18:44
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký phê duyệt Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép của Việt Nam.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Vụ Công nghiệp nặng là đơn vị chủ trì. Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sẽ được thuê để phân tích xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.

Có thể nói, việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam của Bộ Công Thương là một việc làm mới. Thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành.

Đáng chú ý là: thông điệp của người đứng đầu ngành Công Thương cũng được truyền đạt tới Ban soạn thảo Quy hoạch rằng: “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Và để  giám sát chặt chẽ vấn đề này, bộ trưởng khẳng định: “Không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, mà các tổ chức xã hội, truyền thông, dư luận, người dân cũng sẽ cùng tham gia giám sát các dự án này”.

Động thái này của Bộ Công thương lập tức thu hút được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh “cơn bão” quy hoạch ngành thép hiện nay.

Hiện ngành thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được phôi thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Trong khi, năm 2015, cả nước thiếu hụt tới 15 triệu tấn thép thô. Chính vì thế, nhập siêu thép của Việt Nam đã lên tới 6-7 tỷ USD, ảnh hưởng đến cán cân thương mại và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường thép Việt Nam hiện nay có đến 60% là thép Trung Quốc, tính về sản lượng và giá trị kinh tế. Ngành thép Việt Nam đang mất sự cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa do công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún, giá cao, giá trị gia tăng thấp...

Do đó, nếu có thể tính toán quy hoạch xây dựng ngành thép Việt Nam quy củ, tự chủ sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh mà không phải đánh đổi môi trường, là việc làm đang được dư luận quan tâm ủng hộ.

V.Phan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến