Dòng sự kiện:
Quỹ mở của SGI Capital không còn cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán
17/08/2024 06:03:48
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng bao gồm ACB, VCB CTG, MBB, VIB, TPB đã không còn trong danh mục của TBLF - quỹ mở thuộc SGI Capital.

Báo cáo tài chính bán niên của Quỹ Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam (TBLF), quỹ đầu tư thuộc SGI Capital, vừa được công bố cho thấy, nửa đầu năm 2024, giá trị tài sản ròng trên một đơn vị chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) tăng 15,09%. Tuy nhiên, NAV/CCQ giảm 7,73% so với ngày thành lập (19/11/2021).

Tại ngày 30/6/2024, NAV của Quỹ là hơn 83,6 tỷ đồng. Xét về cơ cấu tài sản, tính tới ngày 30/6/2024, 78,07% là tiền gửi ngân hàng; danh mục chứng khoán chỉ chiếm 21,65% và tài sản khác 0,28%.

Cơ cấu tài sản đầu tư của TBLF

Cụ thể, tiền gửi ngân hàng ở mức 65,7 tỷ đồng (trước đó, tại ngày 31/12/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của TBLF chỉ ở mức hơn 1 tỷ đồng). Danh mục cổ phiếu niêm yết trị giá 18,2 tỷ đồng và 234 triệu đồng các tài sản khác.

Trong khi đó, tại báo cáo hoạt động quỹ tháng 7/2024 (báo cáo mới nhất được công bố), TBLF vẫn đang nắm giữ 76% tiền mặt.

 

Danh mục cổ phiếu của TBLF tính tới cuối tháng 7

Trong thời gian gần đây, SGI Capital đã có các khuyến nghị cẩn trọng đối với hoạt động đầu tư và thường nắm giữ tiền mặt ở mức cao. SGI Capital cho biết, ngoại trừ nhóm ngân hàng đang có định giá dưới trung bình, phần lớn các nhóm ngành khác cổ phiếu đã được đưa lên vùng định giá cao nhiều năm, phản ánh kỳ vọng lạc quan và chỉ phù hợp với sự phục hồi mang tính đột biến ở nửa cuối năm 2024 và năm 2025.

“Với những hạn chế hiện hữu trong nước và khả năng suy thoái toàn cầu đang tăng lên, cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm trong khi rủi ro đang tăng lên, sẽ cần kiên nhẫn và thận trọng hơn với thị trường thời gian tới”, SGI Capital cho biết.

Tuy đánh giá nhóm ngân hàng đang có định giá dưới mức trung bình, nhưng TBLF không còn nắm giữ cổ phiếu nhóm này. Tính tới cuối tháng 7/2024, nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục cổ phiếu niêm yết của Quỹ là hàng tiêu dùng (Chiếm 15,4%), tiện ích cơ bản (2,9%), bán lẻ (2,3%) và dịch vụ hàng không (2%).

So sánh danh mục cổ phiếu niêm yết tại ngày 31/12/2023 và ngày 30/6/2024 cho thấy, các cổ phiếu nhóm ngân hàng bao gồm ACB, VCB CTG, MBB, VIB, TPB đã không còn trong danh mục của Quỹ. Trong khi đó, ACB đã từng là khoản đầu tư lớn thứ hai trong danh mục của TBLF với giá trị đầu tư gốc 10,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản/vật liệu xây dựng cũng không nằm trong danh mục của TBLF.

Chia sẻ về khác biệt trong cơ cấu danh mục đầu tư vào thời điểm cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, TBLF cho biết: Năm 2023, dựa trên phân tích về chính sách tiền tệ và quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế của chính phủ, Quỹ đẩy mạnh cơ cấu và nâng mạnh tỷ trọng danh mục, đón đầu sự phục hồi kinh tế nửa cuối năm bao gồm nhóm ngân hàng, nhóm bán lẻ và những doanh nghiệp có định giá chưa đắt. Hiện tại, Quỹ linh hoạt tỷ trọng tiền mặt nhằm thích ứng với những giai đoạn thị trường quá mua hoặc quá bán để tận dụng cơ hội.

Xét về các chỉ tiêu tài chính của Quỹ, nửa đầu năm 2024, TBLF ghi nhận thu nhập, doanh thu hoạt động đầu tư ở mức 12,9 tỷ đồng, tăng 118,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đóng góp lớn là lãi bán các khoản đầu tư ở mức 13,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 794,3 triệu đồng.

Nửa đầu năm 2024, TBLF ghi nhận lợi nhuận sau thuế 11,8 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả: Lam Phong

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến