Dòng sự kiện:
Quy tắc nằm lòng với 'dân' tín dụng: Chứng từ sử dụng vốn - đừng đùa với rủi ro
05/03/2019 18:00:57
Đã là dân tín dụng, ai cũng biết các quy định rất chặt chẽ về chứng từ sử dụng vốn. Nhưng đa số cán bộ tín dụng vẫn đang đùa với rủi ro.

Ngân hàng là ngành nghề kinh doanh rủi ro. Và dường như câu chuyện về chứng từ sử dụng vốn là hình ảnh biết nói về việc các ngân hàng đang "bán" rủi ro cho chính nhân viên của mình? Bởi đã là dân tín dụng, ai cũng biết các quy định rất chặt chẽ về chứng từ sử dụng vốn. Nhưng đa số cán bộ tín dụng vẫn đang đùa với rủi ro.

Quy định pháp luật về chứng từ sử dụng vốn

Khi bước vào ngân hàng, mỗi nhân viên tín dụng cần phải nằm lòng 4 văn bản quan trọng đó là: Luật các TCTD, quyết định 1627 (nay được thay thế bằng Thông tư số 39), quy chế tín dụng nội bộ của từng ngân hàng và...Bộ luật hình sự! Đây được xem các "cẩm nang" điều chỉnh cho mọi hành vi tác nghiệp của người làm tín dụng.

Riêng đối với quy định về chứng từ sử dụng vốn, trước đây quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được xem là văn bản định hướng và điều chỉnh mọi hoạt động cho vay. Trong đó, quy định rất cụ thể về kiểm tra sử dụng vốn và chứng từ sử dụng vốn của khách hàng. Trong thời gian hơn 16 tồn tại của áp dụng của quyết định 1627, NHNN cũng đã nhiều lần ban hành các thông tư để sửa đổi, bổ sung quyết định 1627 cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, quyết định 1627 trong suốt quãng thời gian đó vẫn là văn bản quan trọng đối với dân tín dụng.

Kể từ ngày 15/03/2017, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chính thức có hiệu lực và thay thế quyết định 1627. Việc ra đời của Thông tư số 39 là yêu cầu tất yếu để phù hợp với Luật các TCTD 2010, BLDS 2015 cũng như thông lệ quốc tế về yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của các TCTD. Và chứng từ sử dụng vốn được quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế rủi ro tín dụng.

Quy định tín dụng nội bộ của các ngân hàng không được xem là văn bản pháp lý. Tuy nhiên, đây là văn bản rất quan trọng đối với dân tín dụng. Bởi quy định tín dụng nội bộ chính là văn bản pháp điển hóa, cụ thể hóa và chi tiết hóa tất cả các quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Quy định tín dụng nội bộ là văn bản thường xuyên được các ngân hàng liên tục cập nhật và thay đổi cho phù hợp với các quy định pháp luật.

Có một điều mà các bạn làm tín dụng cần lưu ý, mặc dù quy định tín dụng nội bộ của các ngân hàng không phải là văn bản pháp lý; tuy nhiên, nếu rủi ro pháp lý có xảy ra cho nhân viên tín dụng khi thực hiện đúng quy định tín dụng nội bộ của ngân hàng thì được xem xét miễn trừ trách nhiệm. Cụ thể, trở lại vấn đề quy định về chứng từ sử dụng vốn. Nếu nhân viên tín dụng thực hiện đúng quy định tín dụng nội bộ của ngân hàng A trong việc kiểm tra chứng từ sử dụng vốn, nhưng lại vi phạm các quy định pháp luật. Trong trường hợp này, nhân viên tín dụng có thể được miễn trừ trách nhiệm và người ký ban hành quy định tín dụng nội bộ sẽ chịu trách nhiệm.

Những người làm tín dụng, nếu các bạn chưa từng đọc pháp luật hình sự (vì theo bạn nó chẳng liên quan hoặc nó dài quá chẳng hạn) thì các bạn cũng nên một lần đọc Điều 206 BLHS 2015 để thấy được chế tài rất nghiêm khắc đối với một hành vi mà theo bạn là không đáng kể như chứng từ sử dụng vốn. Các bạn nên nhớ rằng, tội vi phạm các quy định về cho vay có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tùy theo hành vi phạm tội và thiệt hại gây ra.

Cán bộ tín dụng: vẫn đùa với rủi ro

Vẫn biết rằng, dân tín dụng ai cũng nằm lòng các quy định pháp luật trên, các quy đình về cho vay, kiểm tra và thu thập chứng từ sử dụng vốn của khách hàng. Nhưng liệu có ai biết rằng, những hành vi thường ngày mà dân tín dụng vẫn làm là đang tự tích tụ rủi ro cho chính mình? Ngân hàng là nghề kinh doanh rủi ro. Và phần lớn cán bộ tín dụng vẫn đang đùa với rủi ro. Cụ thể:

Thứ nhất, nhiều cán bộ tín dụng và cấp phê duyệt vẫn biết rằng cho vay trái mục đích và chắc chắn khách hàng sẽ không thể có chứng từ sử dụng vốn nhưng vẫn trình và duyệt cho vay. Ví dụ: khách hàng vay mua vàng miếng (đã bị cấm) thì làm sao có thể cung cấp chứng từ sử dụng vốn? Biết vậy, nhưng bằng cách này hay cách khác, dân tín dụng vẫn làm hợp thức hóa việc sử dụng vốn của khách hàng.

Thứ hai, khi khách hàng không thể cung cấp chứng từ sử dụng vốn khi cho vay sai mục đích thì dân tín dụng lại "lách" sang một mục đích sử dụng vốn là vay tiêu dùng. Và từ đó, những hóa đơn, phiếu thu liên quan đến mua hàng hóa, thiết bị tiêu dùng lại được dân tín dụng tự tạo lập chứng từ khống.

Thứ ba, có những trường hợp khách hàng vay tiền tại ngân hàng này để sang ngân hàng khác để gửi tiết kiệm, hưởng chênh lệch lãi suất. Nhưng cán bộ tín dụng vẫn có cách để tìm chứng từ sử dụng vốn để hợp thức hóa mục đích sử dụng vốn của khách hàng!

Thứ tư, có trường hợp vay với mục đích kinh doanh lúa gạo; nhưng thực chất là để làm kinh doanh tài chính (gửi tiết kiệm tại ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất). Những trường hợp này cũng lại được chính các cán bộ tín dụng thu thập và "chế tạo" ra các chứng từ sử dụng vốn để hợp pháp hóa mục đích sử dụng vốn cho khách hàng. Đó là hàng loạt phiếu thu từ nông dân mà không ai xác định được nông dân đó là ai! Tập quán mua lúa nhỏ lẻ của nông dân thường cho phép sử dụng tiền mặt. Và đó là kẽ hở để các cán bộ tín dụng tư vấn cho khách hàng "lách" thay vì phải chuyển khoản để chứng minh dòng tiền đúng mục đích.

Thứ năm, nghiêm trọng hơn, có trường hợp còn cạo xóa hóa đơn, chứng từ hoặc mua hóa đơn khống cho khách hàng. Đây là hành vi không chỉ vi phạm về quản lý cho vay mà còn vi phạm về tạo lập chứng từ giả mà BLHS 2015 cũng đã quy định cụ thể.

Thứ sáu, có cán bộ tín dụng còn hướng dẫn khách hàng chuyển khoản lòng vòng qua nhiều công ty, nhóm công ty gia đình để chứng minh dòng tiền giả tạo để hợp thức hóa quy định về giải ngân chuyển khoản và kiểm tra dòng tiền.

Thứ bảy, mặc dù NHNN đã cấm cho vay với mục đích để mua vàng miếng. Nhưng đâu đó vẫn còn cán bộ tín dụng hết sức hồn nhiên cho vay để khách hàng mua vàng miếng bằng việc cầm cố lại bằng chính số vàng đó để làm tài sản đảm bảo. Và tiền giải ngân trở thành vốn để phục vụ mục đích mua vàng miếng của khách hàng. Và chứng từ sử dụng vốn trong trường hợp này lại được các cán bộ tín dụng bằng nhiều cách để hợp thức dễ dàng.

Thứ tám, cho vay cho vay tiêu dùng là mảnh đất màu mỡ để các tổ chức tín dụng hợp thức hóa và hợp pháp hóa chứng từ sử dụng vốn cho khách hàng. Bởi mục đích tiêu dùng thì có rất nhiều chứng từ dễ thu thập hoặc cán bộ tín dụng tự tạo lập được như hóa đơn mua điện thoại, mua ti vi, phiếu thu thanh toán mua tủ lạnh,...Đây là những chứng từ sử dụng vốn rất dễ bị khai thác cho mục đích hợp thức hóa mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Bởi không phải tất cả trường hợp vay tiêu dùng đều để tiêu dùng thật sự mà nhiều trường hợp khách hàng vay tiêu dùng để mua vàng miếng, đầu cơ bất động sản hoặc đơn giản là để trả nợ hay đáo hạn một khoản nợ khác...

Nói đến những chiêu thức hợp pháp hóa chứng từ của cán bộ tín dụng thì cũng không thể liệt kê hết trong khuôn khổ bài viết. Và tin rằng, những cán bộ tín dụng sẽ còn có nhiều cách để tạo lập bộ chứng từ sử dụng vốn thật "đẹp" cho khách hàng. Vì ai cũng biết, dân tín dụng vì áp lực chỉ tiêu, đôi khi phải chấp nhận rủi ro tạo lập chứng từ sử dụng vốn khống cho khách hàng. Bởi lẽ, khách hàng vay vốn ở các ngân hàng hiện nay vẫn còn không ít khách hàng không thể cung cấp được chứng từ sử dụng vốn, thậm chí là không biết khái niệm chứng từ sử dụng vốn. Và vô hình chung, dân tín dụng là người có trách nhiệm kiểm tra mục đích sử dụng vốn của khách hàng nhưng đồng thời trong nhiều trường hợp bất khả dĩ trở thành người cung cấp chứng từ sử dụng vốn cho khách hàng.

Và có bao giờ, những người làm công tác tín dụng ngẫm lại công việc của mình hay chăng? Chúng ta đang giúp khách hàng để hợp thức hóa chứng từ sử dụng vốn của khoản vay? Hay chúng ta đang hại khách hàng của mình, vì đa phần nợ xấu phát sinh đều bắt nguồn từ việc khách hàng sử dụng vốn sai mục đích. Và những ai làm tín dụng, xin hãy một lần đọc lại Điều 206 BLHS 2015, bạn sẽ thấy không dưới một lần bạn đã vi phạm pháp luật...Đâu đó, các ngân hàng vẫn biết nhân viên tín dụng đang hợp thức hóa chứng từ sử dụng vốn cho khách hàng, nhưng vì doanh số và áp lực chỉ tiêu, nhiều ngân hàng vẫn "vờ như chẳng biết". Xin các ngân hàng đừng "bán" rủi ro về chứng từ sử dụng vốn cho nhân viên của mình.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến