Dòng sự kiện:
Quỹ vaccine Covid-19 được sử dụng như thế nào?
26/07/2021 16:35:32
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quỹ được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ hoạt động nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 26/7, Việt Nam có tổng 101.173 ca mắc, trong đó có 2.182 ca nhập cảnh và 98.991 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 97.421 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 25/7, 77.967 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến tháng 4/2022, nước ta sẽ tiêm vaccine cho khoảng 75% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.

Hơn 8.200 tỷ đồng ủng hộ quỹ vaccine

Cập nhật số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính vào ngày 26/7 cho thấy “Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19” đã nhận được số tiền ủng hộ là 8.229 tỷ đồng.

Trước đó, theo thông tư hướng dẫn của cơ quan này, quỹ sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chi. Quỹ được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Về quyền hạn, Quỹ được vận động và tiếp nhận các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine và các loại hình vật chất khác (không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch); được sử dụng các nguồn tài chính của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine…

Quỹ được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu

Liên quan đến quyền chi Quỹ, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vắc xin… trình Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ các nội dung chi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế lập hồ sơ đề nghị xuất Quỹ để chi theo quy định.

Thông tư cũng quy định chi tiết các nội dung liên quan đến chế độ kế toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính. Quỹ có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính quỹ hàng tháng, 6 tháng, năm. Nội dung công khai bao gồm số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại.

Việc công khai của Quỹ được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, sáng 23/7, AstraZeneca đã chuyển về TP.HCM thêm 1.228.500 liều vaccine Covid-19. Đây là lần giao vaccine thứ năm và cũng là lượng lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam - VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hiện, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Số còn lại đến từ Cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.

Như vậy, nước ta đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 12 triệu liều vaccine Covid-19 với nhiều loại khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm.

Triển vọng vaccine Covid-19 “made in Vietnam”

Chiều 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì cuộc họp đánh giá, xem xét đề xuất cấp phép khẩn vaccine Covid-19 của Công ty Nanogen.

Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, lãnh đạo các vụ, cục, Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, Viện Pasteur TP. HCM, Học viện Quân Y và đại diện Công ty Cổ phần Sinh học dược Nanogen.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Công ty Nanogen cho biết đến nay, Nano Covax đã tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, 60 người thuộc giai đoạn 1, 560 người thuộc giai đoạn 2 và 13.000 người giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, 1.004 người tiêm đủ 2 liều.

Công ty sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng để báo cáo Bộ Y tế vào tuần sau.

Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Căn cứ trên dữ liệu nghiên cứu, đánh giá chung, Nano Covax có an toàn, sinh miễn dịch tốt. Tuy nhiên, vaccine này chưa đủ thời gian để đánh giá về hiệu lực (thời gian mà người tiêm có thể được bảo vệ sau khi tiêm đủ liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất).

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định chủ trương của Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc là luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho Nanogen cũng như các công ty, đơn vị trong nước khi nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine phòng Covid-19. Mong muốn của Bộ là sớm nhất có vaccine “Made in Vietnam” để chủ động nguồn cung ứng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về điều kiện để cấp phép khẩn cấp, Thứ trưởng đề nghị Công ty Nanogen phải phối hợp chặt chẽ với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) và các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học nhằm hoàn thiện hồ sơ kết quả nghiên cứu pha 1, pha 2; khẩn trương có được kết quả giai đoạn đầu của pha 3 (3A).

Dựa trên hồ sơ, số liệu đánh giá tổng kết này, Thứ trưởng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sớm xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp đối với vaccine phòng Covid-19 Nano Covax khi kết quả cho thấy an toàn, hiệu quả, chặt chẽ, khoa học.

Tác giả: Mai Hoa - Phan Châu Giang

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến