Dòng sự kiện:
Quyền Tổng thống Sri Lanka ra 2 quyết định sau khi tuyên thệ nhậm chức
16/07/2022 11:39:20
Ông Wickremesinghe, quyền Tổng thống Sri Lanka, đã ra một số quyết định, bao gồm cấm sử dụng từ “Ngài” để giới thiệu Tổng thống và bãi bỏ lá cờ của Tổng thống.

Sau khi chính thức trở thành Tổng thống lâm thời của Sri Lanka, thay ông Gotabaya Rajapaksa – người đã tháo chạy ra nước ngoài và từ chức, ông Ranil Wickremesinghe hôm 15/7 đã đưa ra 2 quyết định.

Các cuộc biểu tình trên khắp đảo quốc Nam Á tiếp tục diễn ra liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước khiến người dân thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, điện và thuốc men.

Ngay sau khi đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống, ông Wickremesinghe đã nghiêm cấm việc sử dụng từ “Ngài” (His Excellency) để giới thiệu Tổng thống. Ông cũng bãi bỏ cờ Tổng thống. Lá cờ này là mang dấu ấn cá nhân đối với mỗi Tổng thống Sri Lanka, vì vậy thiết kế sẽ thay đổi khi một Tổng thống mới nhậm chức.

"Với tư cách là quyền Tổng thống, tôi sẽ đưa ra 2 quyết định: Việc sử dụng từ "Ngài" để giới thiệu Tổng thống chính thức bị cấm. Cũng như lá cờ của Tổng thống sẽ bị bãi bỏ", ông Wickremesinghe tuyên bố.

Tháng trước ông Wickremesinghe được bổ nhiệm làm Thủ tướng Sri Lanka thay cho ông Mahinda Rajapaksa trong bối cảnh công chúng sục sôi giận dữ cáo buộc gia tộc Rajapaksa phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ mà đảo quốc này phải đối mặt.

Sau khi ông Gotabaya Rajapaksa chính thức từ chức Tổng thống, theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống, lãnh đạo đất nước cho đến khi quốc hội bầu ra nhà lãnh đạo mới.

Một người đàn ông quét cầu thang bên trong dinh thự Tổng thống ở Colombo, Sri Lanka ngày 14/7/2022, sau khi ông Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn khỏi đất nước. Ảnh: The Peninsula

Ông Wickremesinghe, hiện giữ chức Tổng thống tạm quyền của Sri Lanka, cũng chỉ định một ủy ban đặc biệt, bao gồm tham mưu trưởng quân đội, tổng thanh tra cảnh sát, và tư lệnh của 3 lực lượng vũ trang, và cho phép họ hoàn toàn tự do hành động pháp lý mà không có bất kỳ sự can thiệp chính trị nào, hãng thông tấn ANI News đưa tin.

Động thái này diễn ra khi hàng trăm nghìn người biểu tình đã xông vào các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Colombo, đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa và các đồng minh về tình trạng lạm phát leo thang, thiếu hụt hàng hóa thiết yếu và tham nhũng mà Sri Lanka đang phải đối mặt. Các cuộc biểu tình đã kéo dài nhiều tháng khi tình trạng thiếu nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tiếp tục diễn ra.

Trong một cảnh báo rõ ràng với những người biểu tình, quyền Tổng thống Sri Lanka Wickremesinghe nói: "Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nghị sĩ để họ có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách độc lập. Họ sẽ được cung cấp sự bảo vệ đầy đủ. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm nào phá hoại nền dân chủ trong Nghị viện".

Sri Lanka, đảo quốc Nam Á với 22 triệu dân, đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ, tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua, khiến hàng triệu người phải vật lộn để mua thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.

Ông Wickremesinghe – người cũng đã bị kêu gọi từ chức Thủ tướng nhưng nay đang đảm nhận vị trí Tổng thống lâm thời của Sri Lanka theo hiến pháp – đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Những người biểu tình ở Colombo hò reo sau khi nghe tin ông Gotabaya Rajapaksa từ chức, ngày 14/7/2022. Ảnh: Bloomberg

Tác giả: Minh Đức

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến