Dòng sự kiện:
Quyết tâm cao nhất đưa những công nhân còn mất tích ở Rào Trăng 3 về với gia đình
05/12/2020 08:40:18
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định: Cuộc tìm kiếm vẫn chưa kết thúc. Sau 3 giai đoạn tìm kiếm, chúng ta cần xem xét lại, chuẩn bị kỹ các phương án để sẵn sàng bước vào tìm kiếm giai đoạn 4.

Hơn 1,5 tháng qua, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dồn toàn lực với quyết tâm cao nhất để tìm kiếm những công nhân mất tích tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 với vô vàn khó khăn phải đối mặt. Đến nay, đã có 6 thi thể nạn nhân được tìm thấy. Với tinh thần quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, hành trình tìm kiếm 11 công nhân còn lại vẫn được tiếp tục trong thời gian tới khi điều kiện thời tiết và công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

 

Tập trung tìm kiếm các nạn nhân ở dưới lòng suối Rào Trăng, ngày 23/11/2020. Ảnh: TTXVN phát

Chặng đường tìm kiếm đầy gian nan

Ngay khi hay tin 17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích do sạt lở núi vào tối 12/10 tại khu vực nhà máy (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Đoàn công tác Quân khu 4 gồm 21 cán bộ, chiến sỹ đã nhanh chóng lên đường kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở. Tuy nhiên, 13 người trong số đó đã mãi mãi ra đi tại Tiểu khu 67 (Trạm kiểm lâm sông Bồ, huyện Phong Điền).

Sau đó, hơn 2.600 lượt người và gần 2.000 lượt phương tiện các loại đã được điều động tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Những con số này phần nào nói lên sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công cuộc tìm kiếm đầy gian nan.

Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, khối lượng sạt lở tại hiện trường rất lớn, ước tính khoảng 3 triệu mét khối đất đá với diện tích đoạn sạt lở rộng. Lượng mưa lớn, liên tiếp cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ khi phải thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm song song với việc cảnh giới sạt lở đất. Ngoài ra, mọi công tác huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện cơ giới đều phải thông qua bộ đàm rất vất vả. Mọi ngóc ngách, khu vực tại hiện trường hầu như đã được lực lượng cứu hộ xới tung sau nhiều ngày nỗ lực tiếp cận. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 6 nạn nhân được tìm thấy thi thể nằm sâu dưới lớp đất đá, bùn lầy hay dòng suối lạnh lẽo Rào Trăng.

Tận mắt chứng kiến hiện trường vụ sạt lở và theo dõi công tác tìm kiếm, người thân của các nạn nhân đều không giấu được sự xúc động. Ông Ngô Viết Cường, cha một nạn nhân nghẹn ngào chia sẻ: Chúng tôi thật sự cảm ơn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và các lực lượng cứu hộ đã đồng hành cùng các gia đình trong suốt thời gian qua. Nếu không trực tiếp vào đây, chúng tôi sẽ không thể thấu hiểu được nỗi vất vả của các lực lượng cứu hộ khi thực hiện nhiệm vụ trên hiện trường hiểm trở.

Khó khăn luôn nối tiếp từ những ngày đầu cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. Các lực lượng cứu hộ thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng và nhiều đơn vị khác đã được chia ra các mũi (đường bộ, đường thủy và đường không) để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.

Quá trình tiếp cận được hiện trường diễn ra hết sức khó khăn khi bão chồng bão, lũ chồng lũ xảy ra tại Thừa Thiên - Huế. Đã có 35 điểm sạt lở, trong đó 7 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng gây đứt gãy nền đường tuyến đường 71 - tuyến đường bộ duy nhất dẫn đến Thủy điện Rào Trăng 3. Sau khoảng 1 tuần tích cực khắc phục các điểm sạt lở và nổ mìn phá đá, tuyến đường bộ vào hiện trường đã được thông tuyến.

Ngay sau khi đến được Thủy điện Rào Trăng 3, các lực lượng cứu hộ lập tức bắt tay vào việc khoanh vùng, xác định phương án tìm kiếm các công nhân mất tích. Hàng triệu mét khối đất đá và những khối bê tông lớn trên hiện trường lần lượt được máy móc cơ giới đưa vào để thực hiện đào bới liên tục. Chỉ 5 nạn nhân được tìm thấy trong giai đoạn 1 và 2 của cuộc tìm kiếm. Sau cơn bão số 13, công tác tìm kiếm giai đoạn 3 tiếp tục được bắt đầu với hy vọng sẽ tìm được các công nhân xấu số còn lại dưới lòng suối Rào Trăng. 

Ngay từ sáng sớm, những chuyến xe nối đuôi nhau, chạy “dè chừng” qua các đoạn đường đèo dốc và sạt lở để đưa lực lượng cứu hộ tiến vào hiện trường. Tại đây, người đào bới, người tham gia bơm nước trên dòng suối Rào Trăng... Cứ thế, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ miệt mài tìm kiếm. Những ánh mắt của lực lượng cứu hộ mỗi lần dõi theo các tảng đá lớn, bê tông, cuộn thép dưới suối được đưa lên đều ánh lên tia hy vọng, sự mong chờ...

Để thực hiện nắn dòng suối Rào Trăng, các lực lượng cứu hộ phải huy động rất nhiều phương tiện, nhân lực để đào đắp hàng trăm khối đất đá. Hơn 300 rọ đá nặng trịch cùng bao cát được xây đắp để tạo nên đập tạm, đưa nước suối Rào Trăng chảy vào dòng chảy mới dài hơn 150m. 

Lúc này, tại lòng suối Rào Trăng, các xe múc hoạt động hết công suất để đào bới với độ sâu 2-3m so với mặt suối cũ. “Chúng tôi đã đào bới rất kĩ, lật từng viên đá, lớp đất để tìm kiếm. Trước khi chuyển sang điểm đào múc mới, công việc tìm kiếm đều có sự xác nhận của đại diện Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3” - Trung tá Phan Thắng chia sẻ.

Tàn dư các vật liệu nhà nghỉ công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 và những vật dụng cá nhân dần xuất hiện, mang lại hy vọng lớn cho lực lượng cứu hộ. Nhưng trong giai đoạn 3 của quá trình tìm kiếm, chỉ có thêm một thi thể được tìm thấy dưới lòng suối Rào Trăng.

Tin tưởng vào quyết tâm của các lực lượng 

Có mặt tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 trong thời gian qua mới thấu hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của lực lượng cứu hộ tại đây. Nhiều ngày chưa về quê cùng gia đình để khắc phục hậu quả của bão lụt, Trung úy Phạm Thanh Đồng (quê huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) không nao lòng mà xông pha vào “trận chiến” tại Thủy điện Rào Trăng 3. Hàng ngày, khi sương mù lạnh phủ kín vùng núi Phong Xuân, anh Đồng cùng đồng đội thức dậy vào 4 giờ 30 phút để chuẩn bị tư trang, hành quân vào Thủy điện Rào Trăng 3.

Với sức trẻ, anh Đồng cùng các thành viên Đội chữa cháy nhanh chóng nối lại đường ống bơm nước để tiếp tục công việc tìm kiếm trong chiều, trước khi có mưa lớn vào buổi tối. Anh chia sẻ, đây là lần thứ 3 anh nhận nhiệm vụ tại Thủy điện Rào Trăng 3. Do thời tiết diễn biến phức tạp nên đội luôn cố gắng từng giờ để hoàn thành công việc và sớm rời hiện trường, di chuyển về Thủy điện Rào Trăng 4.

“Rất khó để có thể gọi về cho gia đình, thăm hỏi tình hình vì không có sóng điện thoại tại khu vực Rào Trăng 3. Những lúc liên lạc được, biết người thân lo lắng nhiều nên em đã kịp thời động viên mọi người, qua đó em cũng cảm thấy an tâm hơn để thực hiện nhiệm vụ phía trước” – Trung úy Phạm Thanh Đồng bộc bạch.

Đã có lúc, các cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội và lực lượng tại chỗ phải tranh thủ thời tiết, gian nan trèo trên những mỏm đá chơi vơi, lội bùn lầy để vào hiện trường đào xới đất, bơm nước, đắp đập ngăn dòng suối Rào Trăng nhưng ngày sau trở lại, một phần thân đập đã bị nước cuốn trôi. Những gian nan, khó khăn đó vẫn không thể khiến các lực lượng cứu hộ chùn bước, bỏ cuộc.

Binh nhất Phan Hoài Đức cho biết, tuy khối lượng công việc rất lớn và vất vả nhưng với tinh thần trách nhiệm của một người lính cụ Hồ, anh cùng các đồng đội sẽ cố gắng hết sức mình khắc phục mọi khó khăn để sớm hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân.

Thời tiết ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (thượng nguồn sông Bồ, hạ nguồn sông A Lin) diễn biến rất khó lường, mưa lớn khiến địa hình hiện trường xói lở, trơn trượt. Chỉ riêng tại đoạn suối dưới khu vực sạt lở, nước sâu trung bình từ 1,5-2m, lưu tốc dòng chảy khoảng 30-40m3/s. Vì vậy, sau khi “căng mắt” tìm được một thi thể và nhiều vật dụng dưới lòng suối Rào Trăng trong giai đoạn 3, lực lượng cứu hộ đành phải cơ động rút về đơn vị để chờ đợi phương án tiếp theo.

Trước những ánh mắt lo lắng của người nhà các nạn nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ nắm tay họ động viên và khẳng định: Cuộc tìm kiếm vẫn chưa kết thúc. Sau 3 giai đoạn tìm kiếm, chúng ta cần xem xét lại, chuẩn bị kỹ các phương án để sẵn sàng bước vào giai đoạn 4 tìm kiếm ngay sau khi điều kiện thời tiết cho phép.

Lời khẳng định ấy đã phần nào xua đi nỗi lo và sự buồn tủi của các thân nhân khi hay tin tạm dừng công tác tìm kiếm tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ông Lê Văn Phùng (xã Nga Thái, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự, dù vẫn chưa thể tìm thấy con trai nhưng ông rất hài lòng và tin tưởng vào sự quyết tâm tìm kiếm của các lực lượng cứu hộ trong thời gian tới.  

Mồ hôi các cán bộ, chiến sỹ đã đổ xuống rất nhiều trên hiện trường. Dù toàn bộ khu vực sạt lở và lòng suối đã được tìm kiếm hết nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục kiểm tra, rà soát lại nhiều vị trí theo nguyện vọng của gia đình các nạn nhân.

Hiện nay, Ban chỉ đạo cứu nạn và lực lượng cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 đang phối hợp xây dựng các phương án cụ thể, khoa học, phù hợp cho giai đoạn 4 tiếp theo. Dự kiến, khi thời tiết thuận lợi và công tác chuẩn bị sẵn sàng, lực lượng cứu hộ sẽ triển khai tìm kiếm dọc lòng sông Rào Trăng từ điểm sạt lở về ngã ba Tam Dần với chiều dài hơn 2,5 km. Hy vọng, với nỗ lực và quyết tâm của lực lượng cứu hộ trong giai đoạn tới sẽ thu được kết quả, 11 công nhân mất tích còn lại của Thủy điện Rào Trăng 3 sẽ được tìm thấy.

Tác giả: Mai Trang
Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến