Rà soát để “đòi” quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD
08/12/2016 09:52:52
Ngày 6/12/2016, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vụ Pháp chế (NHNN) và Thời báo Ngân hàng đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng”.

Tin liên quan

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng: “Việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm (TSBĐ) đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ TSBĐ. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh…”.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc hội thảo

Nhìn nhận vấn đề quyền xử lý TSBĐ, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Bản chất kinh tế của quyền xử lý TSBĐ tại TCTD là quyền đối với TSBĐ nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Nhưng khi các TCTD xử lý TSBĐ thì quan hệ với người đi vay không những thiếu đi sự hợp tác cần thiết, mà có khi còn chuyển sang đối đầu, thậm chí mâu thuẫn xung đột gay gắt…

“Quyền xử lý TSBĐ chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiệu lực khi và chỉ khi nhận thức về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng ngân hàng được xác lập một cách đúng đắn dựa trên những cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế…” - ông Ánh nhấn mạnh.

Tiếp cận vấn đề dưới góc độ pháp luật qua tham luận “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD - dưới góc nhìn của pháp luật” luật sư Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: “Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD” là một loại quyền dân sự. Do đó, các TCTD được thực hiện quyền xử lý TSBĐ theo ý chí của mình với điều kiện tiên quyết là không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được lạm dụng quyền gây thiệt hại cho người khác, không vượt quá giới hạn việc thực hiện quyền đó…

TS. Vũ Đình Ánh phát biểu tại hội thảo

Đi vào những vấn đề cụ thể hơn, đại diện một số ngân hàng cũng cho rằng họ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhận TSBĐ là nhà ở. Nhiều quy định của pháp luật hiện hành thiếu các hướng dẫn cụ thể về nội dung xử lý TSBĐ dẫn đến việc khi các TCTD nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì việc xử lý TSBĐ có thể dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài, gây khó khăn, lúng túng cho các TCTD trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian thi hành án không chỉ tốn kém chi phí, mà còn kéo dài thời gian thu nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của TCTD.

Cùng với đó là việc hướng dẫn thực thi luật còn chậm khiến các TCTD gặp khó khăn. Theo bà Bùi Thị Như Ý - Phó Tổng giám đốc VietinBank, pháp luật hiện hành cho phép việc thế chấp TSBĐ là dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc nếu đã nhận thế chấp đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khi chủ đầu tư hoàn thành xây dựng xong móng và thực hiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, các bên có bắt buộc phải thực hiện thay đổi hình thái tài sản thế chấp từ dự án đầu tư xây dựng nhà ở sang nhà ở hình thành trong tương lai hay không?

Bà Ý cũng cho rằng, nếu không thực hiện thay đổi tài sản thế chấp, và vẫn đang thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thì các bên có được phép giải chấp một phần TSBĐ là các căn hộ hình thành trong tương lai trước khi thực hiện ký hợp đồng mua bán với khách hàng hay không?

“Do hiện nay chưa có hướng dẫn của pháp luật về nội dung này, dẫn đến khó khăn lúng túng cho các TCTD trong quá trình triển khai, cũng như việc thực hiện phụ thuộc vào hướng dẫn của từng văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương” – Bà Ý băn khoăn.

Từ vụ việc thực tế hiện nay của VPBank là Công ty Cổ phần Đầu tư ATS - một khách hàng của VPBank từ năm 2011 mà ngân hàng này mất rất nhiều năm không thu được đồng nợ lãi và gốc nào, ngay cả khi phải đưa ra tòa, có bản án của tòa, có biên bản bàn giao thì công ty ATS vẫn vi phạm thỏa thuận, đi ngược phán quyết của tòa và thậm chí sau đó có công văn của Tòa cấp cao khẳng định không đủ cơ sở để xem xét lại vụ việc. Trên cơ sở đó, VPBank đã được UBND TP.Hà Nội sang tên tài sản thì công ty vẫn tiếp tục kiện cáo và xuyên tạc sự việc.

Theo ông Nguyễn Thành Long – Phó Tổng giám đốc VPBank, ngân hàng đã chi tiết, cụ thể hóa trong các hợp đồng với khách hàng về quyền chủ nợ, quyền trong quá trình xử lý TSBĐ. Hợp đồng đó đã được ký kết một cách hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi khách hàng gặp vấn đề khó khăn và chúng tôi phải đi đến biện pháp cuối cùng là thu hồi nợ và xử lý TSBĐ thì lại luôn gặp khó khăn.

“Qua câu chuyện trên ATS, chúng tôi cho rằng, cần phải có cơ chế thực thi pháp luật để quyền xử lý TSBĐ của các TCTD thực thi hiệu quả, đảm bảo cơ chế về trình tự tố tụng, hành chính làm sao được nhanh nhất. Trên cơ sở thực thi có hiệu quả và hiệu lực đó, tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi nhận thức về bên có tài sản, bên vay nợ. Phải làm sao họ hiểu được việc chây ỳ, kéo dài thời gian trả nợ không có lợi ích cho họ thì họ sẽ nhanh chóng đàm phán tìm giải pháp hiệu quả hơn” – ông Nguyễn Thành Long cho biết.

Ông Nguyễn Thành Long – Phó Tổng giám đốc VPBank phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Long - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công An cho rằng, hiện nay do nợ xấu làm tắc nghẽn mạch máu nền kinh tế nên chúng ta phải đưa ra giải pháp “cấp cứu” trong vấn đề xử lý TSBĐ, xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Trọng Long cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần ủng hộ các ý kiến chuyên gia là phải xây dựng bộ Luật hoặc một Nghị định riêng để tập hợp tất cả các vướng mắc xử lý nợ xấu vừa qua. “Chính phủ phải đứng ra cập nhật những nghiên cứu, đánh giá và xây dựng một bộ Luật riêng về xử lý nợ xấu” – ông Long nhấn mạnh.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý TSBĐ của cơ quan tư pháp các cấp. Các diễn giả cho rằng, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi. Đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ. Đồng thời, các tham luận tại Hội thảo cũng kiến nghị, Bộ Tư pháp cần khẩn trương phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Toà án Nhân dân Tối cao trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý TSBĐ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, sau hơn 3 giờ làm việc, Hội thảo đã hoàn thành các nội dung đề ra. Với 6 tham luận và 4 ý kiến của các diễn giả, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc các TCTD gặp phải trong thực thi quyền xử lý TSBĐ và đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với xử lý vấn đề này.

“NHNN tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và giao cho Vụ Pháp chế làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các kiến nghị nêu trên đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD” – Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến