Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể bứt phá.
Rất nhiều thông tin về các thương vụ bán vốn của các ngân hàng đã được tung ra, như VPBank đang đàm phán bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại, OCB, LPB, SHB… cũng khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để bán vốn…
Bên cạnh mua bán - sáp nhập (M&A), làn sóng chia cổ tức tăng vốn vẫn diễn ra rầm rộ. Mới nhất là Vietcombank và BIDV sắp phát hành 2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Một số ngân hàng TMCP khác cũng dự định phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.
Chưa kể, lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm vẫn rất khả quan. Dù có nhiều thông tin hỗ trợ, song cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể bứt phá. Trong phiên giao dịch giữa tuần này (15/12), trong 27 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên các sàn giao dịch, thì có tới 24 mã giảm điểm. Còn tính trong vòng 3 tuần gần đây, xu hướng giảm điểm vẫn chủ đạo, tiêu biểu là SHB giảm 6,3%; VPB, TCB giảm 4,6-4,8%; các cổ phiếu khác có mức giảm hơn 1% là LPB, SHB, MBB, OCB… Chỉ có một số cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là TPBank, HDB.
Nguy cơ nợ xấu lớn và định giá đã ở mức cao được coi là rào cản của dòng cổ phiếu vua. Do dậy sóng nửa đầu năm, nên nếu tính từ đầu năm đến nay, ngoại trừ BID giảm giá và 5 cổ phiếu ngân hàng khác đứng giá, còn lại 21 cổ phiếu ngân hàng khác đều tăng mạnh, mức tăng từ 25% đến 180% (NVB).
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MBS, hiện tại, so với mức định giá ngành ngân hàng các nước trong khu vực châu Á, định giá ngành ngân hàng Việt Nam đang ở mức khá cao. Cụ thể, chỉ số P/B của ngân hàng Việt Nam tại thời điểm này là 2,26 lần, trong khi ở Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia đều dưới 1 lần.
Mặc dù được coi là khá đắt đỏ, song các chuyên gia phân tích vẫn cho rằng, định giá ngành ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh lịch sử (P/B tháng 4/2018 là 3,42 lần) và dư địa tăng còn rất lớn, đặc biệt khi VN-Index tiếp tục tiến tới những đỉnh cao mới và vốn hóa ngành này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường.
“Với những tin tích cực về hoạt động tăng vốn của các ngân hàng thương mại thời gian tới, chúng tôi tin rằng, tỷ lệ P/B toàn ngành sẽ được cải thiện và quay về mức hấp dẫn hơn”, MBS đánh giá.
Làn sóng tăng vốn ngân hàng (thông qua chi trả cổ tức khủng) diễn ra rầm rộ trong 2 năm gần đây và dự kiến còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro.
Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh giảm trong thời gian qua.
Tuy vậy, do bị “đè” khá lâu, cộng với triển vọng kinh doanh tích cực thời gian tới, nhiều chuyên gia nhận định, cổ phiếu ngân hàng đã dò đáy và sẽ sớm quay lại.
Tác giả: Trần Mạnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy