Dòng sự kiện:
Rào cản liên quan vaccine COVID-19 trong quan hệ châu Âu và châu Phi
16/02/2022 18:31:39
Cuối tháng này, EU sẽ phải vứt bỏ 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng. Trong khi đó, lượng vaccine mà khối này viện trợ cho châu Phi kể từ đầu năm 2022 đến nay mới là 30 triệu liều.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Gaborone, Botswana. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh giữ Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong ngày 17-18/2 tại Brussels, Bỉ.

Một trong những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị được cho là về cung cấp vaccine cho Lục địa Đen.

Theo báo cáo của Liên minh vaccine cho người dân được công bố ngày 15/2, đến cuối tháng này, EU sẽ phải vứt bỏ 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng.

Trong khi đó, lượng vaccine mà khối này viện trợ cho châu Phi kể từ đầu năm 2022 đến nay mới là 30 triệu liều.

Báo cáo nêu rõ, EU - nhà xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới mới bán 8% lượng vaccine xuất khẩu của mình sang châu Phi.

Đáng chú ý, số vaccine được xuất sang châu Phi chỉ chiếm 1% lượng vaccine xuất khẩu của hãng dược Đức BioNTech, đối tác của Pfizer trong phát triển một trong các loại vaccine được sử dụng phổ biến hiện nay.

Trong khi đó, các nước thành viên EU, đi đầu là Đức, là những nước cản trở nhiều nhất các đề xuất do Nam Phi cùng Ấn Độ và hơn 100 nước khác đưa ra về việc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, các biện pháp xét nghiệm và điều trị COVID-19.

Theo Giám đốc chính sách y tế của Tổ chức Oxfam, Anna Marriott, châu Âu phải ngừng việc ngăn chặn các nhà sản xuất châu Phi tự bào chế vaccine ngừa COVID-19, đặt lợi ích của người châu Phi lên trên các hãng dược phẩm.

Bà nhấn mạnh: “Vaccine được sản xuất nhờ các quỹ công, do đó công thức bào chế nên được chia sẻ với thế giới để tất cả các nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn đều có thể tham gia.”./.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến