Dòng sự kiện:
Rét đậm, gia súc ở nhiều huyện miền núi Nghệ An chết hàng loạt
23/02/2022 09:41:49
Trong những ngày qua, hàng trăm con trâu, bò của người dân ở các huyện miền núi Nghệ An bị chết bởi giá rét.

Do đặc điểm về địa hình, ảnh hưởng của đợt rét cùng với tập quán chăn nuôi của người dân khiến cho đàn gia súc ở các huyện miền núi Nghệ An như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương...  bị chết rất nhiều.

Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong đôn đốc chỉ đạo người dân kịp thời chống rét cho đàn gia súc.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong, đến chiều ngày 22/2, số lượng đàn trâu, bò của người dân trên địa bàn huyện miền núi này bị chết bởi giá rét là 172 con.

Số lượng đàn trâu, bò của người dân bị chết ở huyện Quế Phong tập trung ở các xã như: Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Châu Thôn, Quang Phong, Cắm Muộn... Đây là các xã có địa hình cao, nhiệt độ thấp.

Anh Lương Văn Nánh, (SN 1982), bản Tân Thái, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cùng vợ vẫn chưa hết buồn bã vì 4 con bò của gia đình vừa chết rét. "Tôi nhẩm tính thiệt hại trên 25 triệu đồng. Lam lũ cả mấy năm trời cũng không kiếm được từng đó tiền", anh Nánh nói. Nguồn thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào chăn nuôi, làm ruộng để nuôi hai con đang tuổi ăn học.

Gia đình anh Nánh có 9 con bò được thả rông trên rẫy cách nhà hơn 15 km. Thông thường cứ nửa tuần anh mới vào kiểm tra một lần. Ba ngày trước thấy trời trở rét song anh không nghĩ nhiệt độ xuống thấp quá nhanh. "Ngày 21/2, nhiệt độ giảm sâu, trời mưa phùn khiến lạnh thấu xương, tôi giục vợ vào nương tìm bò đem về nhốt song tới nơi thấy bốn con nằm chết", anh Nánh kể. Hai vợ chồng đành nhờ họ hàng xẻ thịt bán rẻ cho dân bản.

Người dân che chắn cho đàn bò của gia đình mình.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết, việc trâu, bò của người dân trên địa bàn bị chết, ngoài nguyên nhân khách quan là thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại thì còn có yếu tố chủ quan của người dân. Hầu hết, tập quán chăn nuôi của người dân là chăn thả trên các đồi núi cao. Đến khi rét về, nhiều người dân không tập trung chăm sóc khiến cho nhiều gia súc bị chết. Lượng gia súc chết phần lớn là những con nghé, con bê.

"Hàng năm, chung tôi vẫn phổ biến rộng rãi việc chăm sóc cho đàn trâu, bò khi mùa đông đến. Hiện nay, ngoài việc tuyên truyền cho người dân tập trung chống rét cho đàn gia súc gia cầm thì chúng tôi cũng phổ biến cho chính quyền cấp xã thống kê số trâu, bò bị chết để có phương án hỗ trợ theo quy định của nhà nước", ông Dũng nói.

Tại huyện Tương Dương, theo thống kê sơ bộ, đến sáng ngày 23/2, số trâu, bò của người dân bị chết đã lên tới hơn 200 con. Số này tập trung ở các xã như: Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Hữu Khuông...

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, hiện nay huyện Tương Dương đã thành lập 4 đoàn đi về các địa phương trong địa bàn huyện để kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo người dân thực hiện các biện pháp chống rét cho đàn trâu bò.

Cũng theo ông Kha cho biết, nguyên nhân đàn trâu, bò trên địa bàn huyện bị chết là do tập quán chăn thả đàn gia súc trên các đồi núi cao của người dân. Có 3 xã nơi có địa hình thấp không ghi nhận con trâu, bò nào bị chết rét.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, từ ngày 19/2 đến 18h ngày 22/2, hơn 2.900 gia súc (trên 1.600 con trâu, gần 800 con bò, hơn 450 gia súc khác) chết do rét đậm, rét hại, tăng gần 2.000 con so với hôm qua.

Gia súc của người dân bị chết trong đợt rét đang hoành hành.

Nghệ An là tỉnh ghi nhận số lượng gia súc chết nhiều nhất trong hôm nay - gần 800 con, trong khi đó, Sơn La vẫn là tỉnh thiệt hại nặng nhất với hơn 1.000 con chết (tăng hơn 600 con). Số lượng gia súc chết ở Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên lần lượt hơn 260, gần 170, gần 140, trên 160./.

Hồ Phương


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến