Dòng sự kiện:
Rôm rả thiên đường hàng ‘sida’ ở Cố đô
14/01/2018 19:45:11
Ở Huế, “chợ trời” Tây Lộc ngoài những mặt hàng được buôn bán như mọi khu chợ khác thì khá nổi tiếng với đồ bành, hay còn gọi là đồ ‘siđa’.

Quần áo “siđa” là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán trên thị trường Việt Nam từ cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là hàng viện trợ từ tổ chức SIDA của Thụy Điển. Sau nhiều năm, tổ chức này không còn viện trợ cho Việt Nam nhưng khái niệm đồ “siđa” vẫn được dùng phổ biến để chỉ về những mặt hàng đã qua sử dụng.

Ở Huế, hàng “siđa” còn được gọi với cái tên khác là đồ bành. Những mặt hàng này đã trở nên khá gần gũi với nhiều người dân ở đây, đặc biệt là đối với người thuộc tầng lớp bình dân.

Ngôi chợ vẫn thu hút đông đảo người dân cố đô là chợ Tây Lộc, còn gọi là chợ Trời nằm trên đường Nguyễn Trãi, TP Huế.

Chợ Tây Lộc, khoảng 14h giờ người bán bắt đầu căng bạt, dọn hàng.

Chợ này bày bán khá nhiều mặt hàng dù đã qua sử dụng nhưng đa dạng và phong phú; chủ yếu nhất là áo quần.

Thông thường những chiếc áo dạ, áo da… có giá từ 300 nghìn đồng trở lên, tuy nhiên khi đến với chợ Tây Lộc thì có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một chiếc áo “si” với giá chưa bằng một nửa giá thị trường. Một phần vì rẻ, một phần vì độc và đông người nên khu chợ không chỉ thu hút người mua mà còn cả những khách du lịch đến tham quan.

Những mặt hàng "sida" chủ yếu là quần áo cũ, đã qua sử dụng.

Từ áo quần nam nữ, người lớn đến con nít đều được bày bán với giá “bèo” chỉ từ 5.000 đồng. Phần lớn người mua là những người dân ở huyện, ven thành phố và sinh viên học tập trên địa bàn.

Bạn Mai Thanh Tùng, sinh viên trường Đại học Nông lâm Huế chia sẻ: “Hàng bành ở đây có rất nhiều loại. Mình đi chợ thường mua áo da vì nếu may mắn thì mình có thể tìm được những chiếc áo độc, chất lượng mà lại vừa túi với sinh viên nữa”.

Chị Trường Thị Hồng (41 tuổi), trú ở TP Huế cho biết: “Chúng tôi là dân lao động nghèo nên thường đến đây mua đồ. Tôi thấy đồ ở đây cũng đẹp không kém đồ mới người ta bán, nhưng lại mua được với giá “hời”.

Một góc khu chợ thu hút đông đảo người đến mua hàng.

Anh Lê Ngọc Hiếu (24 tuổi) là một người bán hàng "siđa" ở chợ Tây Lộc nói: “Những đồ này được nhập từ Sài Gòn, có những hàng đã qua sử dụng, cũng có những hàng mới nhưng bị lỗi do các công ty thải ra. Sau khi mua về thì giặt sạch, phân loại rồi mang ra chợ. Mình bán đồ 'sida' một phần muốn kiếm thêm thu nhập, một phần cũng đáp ứng được nhu cầu của mọi người”.

Chợ Tây Lộc bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 2h chiều, người mua người bán đi lại đông đúc. Cùng với tiếng rao của người bán, tiếng trả giá của người mua, tiếng cười đùa vui vẻ đã tạo nên nét đặc trưng cho ngôi chợ này. Vì vậy, bất kể trời mưa hay nắng nơi đây vẫn có lượng khách ổn định.

Một cán bộ ban quản lý chợ Tây Lộc chia sẻ, khu chợ có lượng khách khá đông vào buổi chiều, thường thì khách đến chợ chủ yếu là người nghèo, sống ở ven thành phố. Dù đông nhưng công tác an ninh, tình trạng bày bán, để xe đổ ra đường vẫn được ban quản lý xử lý tốt.

Phạm Thương – Bích Đàm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến