Dòng sự kiện:
Room tín dụng nên giữ hay bỏ?
04/11/2018 06:00:44
Mặc dù tại Công văn 5321 và Chỉ thị 04 ban hành trong tháng 7 và 8/2018, Ngân hàngNhà nước (NHNN) khẳng định không nới hạn mức (room) tín dụng cho các Ngân hàng thương mại(NHTM), trừ các trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, một NHTM cổ phần (CP) vừa cho biết được cấp thêm hạn mức bổ sung từ 14% lên 20% cho năm nay. Điều này một lần nữa cho thấy cơ chế khoán room tín dụng mang tính chất hành chính tiếp tục bộc lộ những bất cập.

Techcombank là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cho nới room tín dụng.

Ngân hàng đầu tiên được nới room

Trao đổi với báo chí bên lề buổi gặp gỡ các nhà đầu tư ngày 30/10, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết NH được NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên nhiều lý do. Thứ nhất, NH đã quản lý được tốt nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp. Cụ thể, nợ xấu của NH hiện nay dưới 2%, định hướng đến cuối năm cũng ở mức dưới 2%. NH vẫn tiếp tục xóa nợ xấu trong bảng quá 1 năm để theo kịp tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế. Thứ hai, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của NH cao so với bảng cân đối. Theo đó, room tín dụng của NH đã được nới từ 14% lên 20%. NH cũng sẽ xin NHNN cấp room tín dụng 20% cho năm 2019.

Theo báo cáo tài chính quý III của Techcombank, tại thời điểm 30/9, cho vay khách hàng đạt 166.938 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, Techcombank lại tập trung mua vào lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Hồi đầu năm, lượng trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành ở mức 3.116 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 9 đã tăng gấp 5 lần, lên mức 15.956 tỷ đồng. Trong báo cáo mới đây, Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), nhận định trong 9 tháng qua, cho vay mua nhà của NH tăng chậm, hoạt động cho vay chuyển hướng sang các khoản vay vốn lưu động ngắn hạn có tỷ suất lợi nhuận thấp và cho vay liên NH.

Riêng trong quý III, cho vay khách hàng gần như không đổi (chỉ tăng 0,14%), tuy nhiên đầu tư trái TPDN tăng mạnh 91,7% so với quý liền trước, đạt 38.500 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, nếu bao gồm cả đầu tư TPDN, tổng tín dụng của NH đạt 205.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm. Nhưng theo ông Lê Quốc Anh, từ tháng 10 tín dụng của Techcombank dậm chân ở con số 14%.

Tạo tiền lệ cho ngân hàng khác

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 17%, nhưng từ đầu năm NHNN chỉ cấp room tín dụng cho các NHTM từ 14-16%. Trên tổng thể, tính đến 4/10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống chỉ 9,89% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên tại nhiều NHTMCP có quy mô vừa và lớn, tín dụng lại có xu hướng tăng trưởng rất nhanh.

Tại thời điểm cuối tháng 6, nhiều NH đã chạm hoặc gần chạm trần hạn mức được cấp như TPBank đạt 16%, HDBank 15%, LienVietPostBank 13,3%, OCB 12,2%... Ngày 15/8, LienVietPostBank công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng; tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống 180.000 tỷ đồng.

Chỉ tiêu huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống 160.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu giảm từ 12% xuống 10%. 

Sở dĩ LienVietPostBank có sự điều chỉnh vì NHNN khẳng định sẽ kiểm soát chặt hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay,  không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng dành cho từng NHTM, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt. Cụ thể, chỉ những NHTM đang hỗ trợ các NHTM yếu kém hơn thực hiện tái cơ cấu mới được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Lãnh đạo LienVietPostBank cũng cho biết, việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ thị trường 1 nhằm tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của NHNN, bởi kế hoạch đầu năm xây dựng 20% nhưng phê duyệt của NHNN chỉ ở mức 14%. Theo nhận định của giới phân tích, chỉ HDBank mới nằm trong diện được xem xét cấp bổ sung room tín dụng. 

Không chỉ LienVietPostBank, nhiều NH cũng đã tuân thủ quy định thông qua việc hãm phanh tăng trưởng tín dụng trong quý III. Thậm chí tại MB, cho vay khách hàng của NH mẹ trong kỳ đã giảm 0,7%. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng của MB là 11% nhưng đến cuối tháng 9 chỉ đạt 11,2%. Lãnh đạo một nhà băng chia sẻ, theo tiền lệ của các năm trước, đầu năm các NH kỳ vọng có thể xin hạn mức bổ sung, nên đa số đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 20% và sử dụng khá nhiều room tăng trưởng trong những tháng đầu năm.

Chính vì vậy, trong quý III nhiều NH việc phải “thắt lưng buộc bụng” và chọn lọc khách hàng vay. Tuy nhiên, sau trường hợp Techcombank được NHNN cấp thêm room để cho vay, có thể tới đây sẽ nhiều NH nộp đơn với yêu cầu tương tự.

Có nên giữ công cụ room tín dụng?

Theo một chuyên gia tài chính, quy định không nới room tín dụng cho các NHTM trong năm nay được NHNN đưa ra nhằm hạn chế sự tăng tốc của CPI, kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4%. Diễn biến của thị trường cũng cho thấy tín dụng tăng 14-15% là hợp lý, dù NHNN không cấp thêm room tín dụng cho NH nhưng dư địa cho vay những tháng cuối năm vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, hệ thống NHTM Việt Nam vẫn chưa thể hiện sự tuân thủ triệt để quy định của NHNN, thể hiện qua việc NHNN khẳng định không cấp nhưng NH vẫn cố xin thêm. Và cũng như trong việc thực hiện chuẩn Basel II hay áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN lại một lần nữa lỏng tay nới thêm cho NHTM.

Trong một diễn đàn về ngành NH cách đây không lâu, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, đã đề xuất dỡ bỏ những công cụ điều hành mang tính hành chính là khống chế hạn mức tín dụng của các NH. Bởi biện pháp này tuy kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, ngăn chặn được việc phát triển nóng tại một số TCTD yếu kém, nhưng lại đẩy các NHTM có hoạt động tốt liên tục rơi vào tình cảnh vừa cho vay vừa lo hết room. Theo đó, cứ sau nửa năm hoạt động, nhiều NH lại xin nới room và một số nhà băng còn đối phó bằng cách chuyển khoản vay sang đầu năm sau. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cũng cho biết hạn mức tín dụng là công cụ hành chính nhiều nước trên thế giới không còn áp dụng. NHNN có thể bỏ công cụ này và kiểm soát an toàn của các NH thông qua qua hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Để điều tiết dòng tín dụng, NHNN còn nhiều công cụ chính sách tiền tệ như tăng lãi suất cho vay, sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, tái chiết khấu, tái cấp vốn hoặc điều tiết trên thị trường mở, thay vì cấp hạn mức tín dụng như hiện nay.

TS. Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia tài chính-ngân hàng

Theo Sài Gòn đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến