Dòng sự kiện:
Rủi ro đối với chứng khoán thế giới năm 2020
13/11/2019 20:11:19
Theo Kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank - Torsten Slok, nhiều khách hàng sẽ gặp phải rủi ro với những diễn biến của nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu vào năm 2020.

Gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo

Đứng đầu danh sách các vấn đề “đau đầu” là sự gia tăng bất bình đẳng giàu – nghèo, đang là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của nhiều ứng viên Tổng thống Mỹ. Các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Elizabeth Warren và Bernie Sanders đều kêu gọi áp thêm thuế đối với những người giàu nhất nước Mỹ để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Một số chuyên gia trên Phố Wall cho rằng, dấu ấn trong các quan điểm chính sách của bà Warren trong cuộc chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ dần dần trở thành mối lo ngại mới của thị trường. Tỷ phú Paul Tudor Jones và nhà đầu tư kỳ cựu Leon Cooperman gần đây đưa ra cảnh báo, thị trường sẽ điều chỉnh nếu bà Warren đắc cử Tổng thống Mỹ.

Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đang giảm mạnh

Thách thức thứ hai đối với diễn biến thị trường chứng khoán đến từ rủi ro về chiến tranh thương mại. Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây có giảm bớt khi hai bên nỗ lực để hoàn tất một thỏa thuận hạn chế, song thị trường vẫn phải đối mặt với những rủi ro. Tổng thống Donald Trump hiện vẫn chưa đồng ý đẩy lùi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này khiến nhiều người hoài nghi về việc hai nước có thể đạt được một thỏa thuận trong thời gian tới.

Chính quyền Trump hiện áp thuế đối với hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế lên khoảng 110 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ. Deutsche Bank quan ngại rằng những bất ổn liên quan tới chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục tạo gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.

Nguy cơ suy thoái kinh tế lan rộng

Một rủi ro lớn khác đến từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay vẫn chưa đưa ra dự đoán về một cuộc suy thoái cận kề, tuy vậy nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Trong số các nền kinh tế phát triển, đợt tăng trưởng kinh tế dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đang bị chững lại. Được thúc đẩy bởi các chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump và nỗ lực duy trì một tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, nền kinh tế Mỹ đã đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ lên đến trên 4% trong một số quý của năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đã chậm lại, dự kiến chỉ đạt 2,3% và có thể còn tiếp tục giảm sút trong năm 2020.

Cùng với đó, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, nền kinh tế Trung Quốc đang có diễn biến chậm lại. Tốc độ tăng trưởng qua các quý của năm 2019 đang được coi là ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo những tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Trên thực tế, nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã kéo cổ phiếu rời khỏi mức đỉnh và sụt giảm mạnh trong nhiều thời điểm của năm 2019. Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về sự suy giảm này sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong năm 2020 khi triển vọng kinh tế toàn cầu chưa có nhiều điểm sáng.

Thị trường chứng khoán phản ứng với nhiều dữ liệu khác nhau, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất. Nếu công ty phát triển, cổ phiếu công ty thường tăng. Giới phân tích Phố Wall dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian qua chủ yếu đến từ việc thực hiện các chính sách giảm thuế của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, các tác động đó bắt đầu suy yếu và diễn biến năm 2019 không còn “nóng” như trước.

Ngoài ra, đồng USD cũng đã lấy lại đà tăng giá, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty Mỹ đa quốc gia. Về mặt lý thuyết, USD mạnh khiến sản phẩm của Mỹ đắt hơn khi xuất khẩu, ảnh hưởng doanh số quốc tế. Trên thực tế, nhiều đợt công bố báo cáo lợi nhuận qua các quý từ đầu năm đến nay cho thấy nhiều công ty thương mại của Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng khá lớn về mặt doanh thu trong năm 2019 do sự biến động của đồng USD.

Rủi ro cuối cùng mà các nhà đầu tư phải quan tâm là khả năng chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu của doanh nghiệp có thể thay đổi khi các chính sách cải cách chưa chắc được thực hiện trong những năm tới. Chính sách công và bất kỳ khả năng thay đổi nào tới chính sách công đều là yếu tố quan trọng tác động tới quyết định đầu tư.

Theo: Thời báo Ngân hàng
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến