Sabeco: giàu mà chưa sang
14/11/2016 13:25:27
Sabeco đã có ba quí đầu năm kinh doanh hiệu quả. Doanh thu trong ba quí gần nhất của Sabeco đạt 21.822 tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ, tương đương 79 tỉ đồng/ngày. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 25% so với cùng kỳ, gấp gần 3 lần tăng trưởng doanh thu, từ 2.939 tỉ đồng lên 3.658 tỉ đồng.

Tin liên quan

Gần 2.423 tỉ đồng là dự phòng phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt mà Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đưa vào khoản mục dự phòng phải trả trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất chín tháng đầu năm 2016. Ở trang 28 của báo cáo trên, Sabeco ghi rõ: “Theo thông báo của Kiểm toán Nhà nước ngày 4-2-2015 Sabeco được yêu cầu nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách nhà nước. Ngày 13-3-2015 tổng công ty đã gửi kiến nghị lên Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét lại kết luận của kiểm toán. Tuy nhiên ngày 27-10-2016 Sabeco tiếp tục nhận được thông báo của Cục Thuế TPHCM về việc nộp bổ sung tiền thuế tiêu thụ đặc biệt cho các năm từ 2010-2012”.

Kế tiếp trong mục 18 của Báo cáo về tình hình tăng/giảm nguồn vốn chủ sở hữu, Sabeco nhắc lại khoản dự phòng thuế này. Vốn chủ sở hữu của tổng công ty đến cuối tháng 9-2016 là 14.546 tỉ đồng, đã trừ khoản dự phòng nói trên. Nếu không trừ ra, vốn chủ sở hữu của Sabeco tăng đáng kể và tất nhiên ảnh hưởng đến giá trị sổ sách (B/V) của cổ phiếu. Do trừ ra, B/V của Sabeco đang là 22.460 đồng/cổ phiếu, còn không trừ thì được 26.460 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra mức thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay mà các doanh nghiệp rượu bia nước giải khát phải chịu đã tăng từ 50% lên 55% và sẽ lên 60% vào năm 2017 và 65% vào năm 2018.

Dây chuyền sản xuất của Sabeco. Ảnh:news.zing.vn    

Giàu thì giàu...

Sabeco là một trong những doanh nghiệp giàu có về tiền bạc. Cứ nhìn vào báo cáo tài chính thì biết. Đến hết quí 3, tổng công ty có 6.814 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (các khoản tương đương tiền ở đây là tiền gửi ngắn hạn dưới ba tháng ở ngân hàng), cộng thêm 3.293 tỉ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng từ trên ba tháng đến dưới một năm). Sabeco cũng có quỹ đầu tư phát triển thuộc loại khủng, tới 1.112 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 5.873 tỉ đồng.

Trong khi đó nợ của tổng công ty thuộc loại thấp so với vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 443,8 tỉ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 964 tỉ đồng. Phó tổng giám đốc một tổ chức tín dụng phân tích giả sử Sabeco cần vay vốn, các ngân hàng sẵn sàng cung ứng, không phải chỉ vì một bảng cân đối tài chính lành mạnh, mà còn vì ngân hàng có thể tiếp cận việc thu hộ và quản lý hộ dòng tiền của doanh nghiệp. Ở vai trò một tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, dòng tiền vào ra hàng ngày của Sabeco rất lớn. Doanh thu thể hiện rõ điểm này.

Doanh thu trong ba quí gần nhất của Sabeco đạt 21.822 tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ, tương đương 79 tỉ đồng/ngày. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 25% so với cùng kỳ, gấp gần 3 lần tăng trưởng doanh thu, từ 2.939 tỉ đồng lên 3.658 tỉ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng đi lên, nhưng nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay giảm mạnh, Sabeco đã có ba quí đầu năm kinh doanh hiệu quả. Trong doanh thu hoạt động tài chính, lãi tiền gửi + tiền cho vay; cổ tức lợi nhuận được chia cùng với doanh thu hoạt động tài chính khác cải thiện ngoạn mục (doanh thu hoạt động tài chính khác tăng gấp 10 lần; cổ tức lợi nhuận được chia tăng 18 lần so với cùng kỳ, song thuyết minh báo cáo tài chính không nêu chi tiết là tăng do đâu).

Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp chín tháng qua giảm gần 40%, từ 811,5 tỉ đồng về 487,6 tỉ đồng do chi phí quản lý khác rơi kịch tính dù lương nhân viên quản lý, khấu hao tài sản cố định, dịch vụ mua ngoài đều tăng. Không hiểu “chi phí quản lý khác” trong thuyết minh báo cáo tài chính ở trang 33 cụ thể là gì. Tương tự trong phần thuyết minh số 20 về “giá vốn bán hàng”, có khoản mục “giá vốn khác” giảm từ 417 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái về 64 tỉ đồng. Không ít cổ đông và nhà đầu tư thắc mắc “giá vốn khác” là sao mà tụt nhanh thế?

...nhưng có sang?

Đầu những năm 2000 trong “cơn sốt” cổ phiếu ngân hàng, Sabeco cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Tổng công ty đã giải ngân cho 9,54 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông với giá gốc 216,6 tỉ đồng (tức 22.700 đồng/cổ phiếu); mua 4,73 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Á giá gốc 136,3 tỉ đồng (28.816 đồng/cổ phiếu); sở hữu 5,73 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu giá gốc 36,6 tỉ đồng (6.387 đồng/cổ phiếu - đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử của Eximbank khi trong thời gian đầu những năm 2000 tổ chức tín dụng này bị kiểm soát đặc biệt và tái cơ cấu. Lúc đó thị giá Eximbank trên thị trường OTC còn khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu - NV). Sabeco đã phải trích lập dự phòng rủi ro 270 tỉ đồng cho khoảng đầu tư vào Phương Đông và Đông Á.

Trong danh mục đầu tư tài chính mà báo cáo tài chính chỉ ra, Sabeco còn những khoản mà vốn dĩ không làm đẹp bảng cân đối kế toán chút nào như đầu tư vào Công ty Dầu khí Phương Đông, Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt. Cũng nên ghi nhận là gần đây tổng công ty đã khá tích cực thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Trong báo cáo tài chính các quí trước còn thấy khoản góp vốn ở Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl, nhưng đến cuối quí 3, hai khoản trên đã được thoái xong. Sabeco cũng đã từng đầu tư gần 21 tỉ đồng vào trái phiếu Vinashin và đã trích lập dự phòng 100% cho khoản này.

Có một yếu tố khác khiến Sabeco giàu có mà chưa sang là đến nay sau gần 8,5 năm chuyển thành công ty cổ phần, tổng công ty vẫn chưa niêm yết. Chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 1-5-2008, những người tham gia đấu giá IPO Sabeco vẫn cứ vò võ đợi chờ. Khi cần chuyển nhượng, họ mua bán (thậm chí bằng giấy tay) trên thị trường OTC, nơi không phải cứ rao là bán được, mua được. Mới nhất, Sabeco thông báo sẽ nỗ lực lên sàn Hose vào tháng 12.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến