Dòng sự kiện:
SABECO khó 'sủi bọt'
31/05/2022 15:25:41
Dù đặt mức tăng trưởng cao năm 2022 và dự kiến hiệu suất năm 2023 sẽ phục hồi về mức năm 2019, nhưng Sabeco vẫn chưa thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao của 3 năm về trước.

SABECO đang dẫn đầu thị phần bia Việt Nam.

SABECO đang tăng trưởng tích cực trở lại về hoạt động sản xuất kinh doanh và lượng hàng bán ra thị trường.

Tiêu thụ bia hồi phục

Tiêu thụ bia dường như cũng đang là một chỉ dấu của phục hồi dịch vụ. Nói như vậy không hề quá, bởi trước dịch, lượng tiêu thụ bia của người Việt luôn ở trong top đầu thế giới.

Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý I/2022 của SABECO cho thấy, doanh thu thuần đạt 7,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 78% và 96% so với quý I/2019.

Ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của SABECO gồm: Tiêu thụ bia phục hồi khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn; Công ty kết hợp giá bán và sản phẩm tốt hơn; SABECO quản lý hiệu quả chi phí bán hàng & quản lý, đặc biệt là tiếp thị và khuyến mại cho các chương trình mùa Tết.

4.581 tỷ đồng là kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SABECO, tăng 17% so với năm 2021.

Nhờ giảm chi phí bán hàng và quản lý, SABECO ghi nhận biên lợi nhuận trước thuế ổn định. Ngoài biên lợi nhuận EBIT trong quý I/2021 đã được tăng lên, còn phải kể đến khoản lãi ghi nhận từ việc thoái vốn tại OCB.

Theo kế hoạch, SABECO đặt mục tiêu cao cho năm 2022 với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 32% và 17% so với năm 2021, tương ứng đặt mục tiêu doanh thu 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng.

Ông Bennett Neo, Tổng Giám đốc SABECO cho rằng bất chấp một năm 2021 đầy thách thức do đại dịch COVID-19, Việt Nam đang từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới” và SABECO cũng đang tập trung vào các cơ hội phát triển.

“Con dao hai lưỡi”

Công ty đang thực hiện kế hoạch cải thiện chi phí quản lý, tăng cường tiếp thị, tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp doanh nghiệp lấy lại dần những thị phần đã mất.

Trước đó, dữ liệu của Euromonitor ghi nhận tại năm 2019, thị phần bia của SABECO là 39,6%, đang bị “bám đuổi” bởi Heineken với 33,5% thị phần. Tuy có miếng bánh lớn so với các doanh nghiệp còn lại, nhưng so với chính mình ở thời điểm vàng, SABECO đã đánh mất nhiều thị trường, ở nhiều địa phương. Sự bám đuổi của Heineken cũng cho thấy nếu SABECO không có chiến lược đặc biệt, Heineken sẽ chiếm dần phân khúc cao cấp. Do đó có thể từ 2021, SABECO đã đẩy mạnh sự hiện diện sản phẩm của mình không chỉ ở các kênh truyền thống mà còn trong các chuỗi siêu thị hiện đại và hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm ở phân khúc cao cấp.

Tuy nhiên, đây lại là phân khúc mà thực tế từ góc độ người tiêu dùng, quảng cáo, tiếp thị chưa hẳn sẽ là chìa khóa duy nhất đạt hiệu quả cao. Do đó, đây vẫn đang là bài toán của SABECO.

Bên cạnh đó, trước giá cả hàng hóa tăng cao, bao gồm giá nguyên liệu, cước vận tải gia tăng, chắc chắn sẽ khiến SABECO cùng mọi doanh nghiệp ngành phải đứng trước lựa chọn: Chậm lại nâng giá bán thành phẩm để giữ người tiêu dùng và chiếm thị phần, chấp nhận giảm lợi nhuận thuần hay tăng giá tương ứng để giữ cam kết chỉ tiêu lợi nhuận với cổ đông. SABECO dường như đang chọn hướng thứ 2. Đây lại có thể là “dao hai lưỡi” vì giá bán đội lên sẽ khiến sức mua giảm.

Tác giả: Lê My

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến