Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) - vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, dự kiến tổ chức ngày 25/4. Đáng chú ý, một trong những nội dung dự kiến được HĐQT ngân hàng trình bày trước cổ đông sắp tới là việc chốt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30%.
Trước đó, đã có những tranh cãi xảy ra giữa Sacombank và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về tỷ lệ sở hữu này khi phía ngân hàng cho rằng room ngoại chỉ ở mức 23,63468%, trong khi VSD thông báo tỷ lệ này là 30%.
Liên quan vấn đề này, HĐQT Sacombank cho biết, từ ngày 14/3/2014 đến nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được Đại hội đồng cổ đông thống nhất là 30%. Tuy nhiên, khi ngân hàng phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam, VSD đã điều chỉnh đưa room ngoại của cổ phiếu STB về mức 23,63468%. Đến ngày 31/5/2021, VSD một lần nữa điều chỉnh tỷ lệ này về lại mức 30%.
HĐQT Sacombank cho biết, ngày 10/3 vừa qua, VSD đã có công văn ghi nhận sự thiếu sót với việc điều chỉnh room ngoại của cổ phiếu STB nêu trên.
Sacombank vẫn thống nhất chốt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30% như thông báo của VSD. Ảnh: STB.
Tuy vậy, Sacombank cho biết từ khi niêm yết, STB luôn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, chủ trương của ngân hàng cũng là cơ cấu cổ đông đa dạng để tạo động lực cho sự phát triển. Vì vậy, ngân hàng vẫn thống nhất ghi nhận tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB ở mức 30% như thông báo của VSD.
Trước đó, tranh cãi giữa hai bên xảy ra khi Sacombank có văn bản gửi VSD, Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng. Phía Sacombank cho rằng mức room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.
Ngày 16/2, VSD đã có công văn trả lời Sacombank và khẳng định room ngoại tại ngân hàng là 30%. Phía cơ quan lưu ký chứng khoán cũng cho biết từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài nào.
Một ngày sau đó (17/2), Sacombank lại có văn bản khẳng định từ năm 2016 đến nay, tính cả thời điểm ngân hàng hoàn tất niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, room ngoại tại ngân hàng do VSD thông báo nhiều năm là 23,63468%. Theo Sacombank, việc VSD giữ room ngoại của ngân hàng ở mức 23,63468% trong thời gian dài nhưng đột ngột thay đổi mà không thông báo chính thức đã ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của ngân hàng.
Ngoài ra, phía ngân hàng cũng cho rằng điều này làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời.
Bên cạnh nội dung kể trên, tại phiên họp cổ đông sắp tới, ban lãnh đạo Sacombank cũng sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu kinh doanh năm nay với tổng tài sản dự kiến tăng 11%, đạt 657.800 tỷ đồng vào cuối năm.
Các chỉ tiêu tài chính quan trọng khác được đưa ra là tổng nguồn vốn huy động dự kiến tăng 11%, đạt 574.600 tỷ và tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, đạt 491.600 tỷ đồng. Trong đó, HĐQT Sacombank sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, Sacombank dự kiến kiểm soát nợ xấu ở dưới 2% tổng dư nợ và lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.
Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Sacombank.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Sacombank sẽ trình cổ đông kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Dự kiến, nếu được thông qua, phần lợi nhuận lũy kế của ngân hàng sẽ đạt gần 12.700 tỷ đồng.
Với phần lợi nhuận dự kiến năm 2023, Sacombank chỉ trình cổ đông kế hoạch trích các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, khen thưởng, phúc lợi và không đưa ra kế hoạch sử dụng với phần lợi nhuận còn lại.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy