Vẫn còn nhiều hạn chế
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS.TS.KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác quy hoạch của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như công tác dự báo, quản lý xây dựng đô thị.
Ngoài ra, việc lập và phê duyệt một số quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ giữa phát triển kinh tế - xã hội và không gian đô thị. Hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ với mức độ phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tình trạng úng ngập chậm được khắc phục, gây bức xúc cho người dân.
Trên địa bàn Hà Nội có hàng loạt công trình, dự án vi phạm xây dựng
“Các dự án cải tạo, xây mới nhà, công trình công cộng và hạ tầng xã hội, công trình hỗn hợp cao tầng mới chỉ được thực hiện nhằm đáp ứng các nhu cầu trước mắt, chưa đặt ra yêu cầu đầy đủ, đúng mức về phát triển đồng bộ, hợp nhất giữa sử dụng đất và giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị và cảnh quan, kiến trúc công trình, cũng như các tiện ích đô thị, làm cho bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội chưa hoàn chỉnh”, ông Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, văn phòng làm việc tập trung trong nội đô cũ quá nhanh, gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.
Mặt khác, việc tái thiết, cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ, phát triển các đô thị mới chưa đồng bộ, làm phát sinh các vấn đề kết nối giao thông đô thị, thiếu không gian công cộng, mặt nước, cây xanh. Ngoài ra, tổ chức không gian cảnh quan đô thị và kiến trúc công trình chưa đồng nhất, hài hòa, nên chưa tạo lập được hình ảnh đô thị đặc trưng của TP. Hà Nội.
Ths. Nguyễn Văn Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng vật chất cho sự phát triển đô thị, song hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện tại còn lạc hậu, chưa đồng bộ.
“Nan giải nhất hiện nay là nguy cơ tắc nghẽn giao thông chậm được xử lý triệt để. Tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội chỉ chiếm khoảng 9,5%, chưa bằng 1/2 so với tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại. Các tuyến đường vành đai chưa khép kín, hệ thống đường hướng tâm còn thiếu, chưa đồng bộ theo quy hoạch, phương tiện giao thông vận tải công cộng kém phát triển khi chủ yếu là xe buýt, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 13,5% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội rất cao, lên đến 12-15% mỗi năm, nhất là trong vài năm gần đây, khiến áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông càng nghiêm trọng”, ông Bình đánh giá.
Ở góc độ nhà quản lý, bà Trần Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Xây dựng hết sức quan tâm từ nhiều năm, đặc biệt tại các thanh phố lớn.
Để nâng cao chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của cư dân đô thị, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quy hoạch, xây dựng đô thị và đang từng bước được hoàn thiện.
Theo bà Hằng, cơ sở để quản lý phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị là quy hoạch, kế hoạch và pháp luật. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Đồ án quy hoạch và quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị cũng đã quy định các chỉ tiêu kiểm soát phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, về phân khu chức năng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, lộ giới, hạn tuyến, tầng cao, yêu cầu kiến trúc cảnh quan, bảo tồn, hạ tầng kỹ thuật…
“Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan có quan hệ mật thiết với hạ tầng đô thị. Chính vì vậy, phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị cần đi đôi với phát triển hạ tầng đô thị một cách đồng bộ”, bà Hằng nhấn mạnh.
Chuyên gia hiến kế
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đã có nhiều quy hoạch bài bản, nhiều quy định, chế tài xử lý vi phạm xây dựng, nhưng khi thực hiện lại nửa vời, thiếu giám sát, quản lý, khiến quy hoạch của Hà Nội bị băm nát.
Sự tuỳ tiện điều chỉnh và điều chỉnh nhiều lần trên một bản quy hoạch đang gây những hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống đô thị nội đô, nhưng việc xử lý chưa đủ sức răn đe. Do đó, để lập lại trật tự đô thị Hà Nội, cơ quan chức năng và chính quyền phải đưa ra chế tài xử phạt nghiêm khắc với vi phạm.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư cho rằng, Hà Nội đang sắp đạt đến ngưỡng của một siêu đô thị, nhưng sự gia tăng dân số lại không tỷ lệ thuận với sự phát triển của hạ tầng và quản lý đô thị.
Do vậy, Hà Nội mới thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng và phúc lợi xã hội, vẫn cố xoay xở để sử dụng hạ tầng cũ của khu vực nội đô lịch sử cho một Thủ đô đã lớn gấp 22 lần quá khứ. Sau một đến hai thập kỷ nữa, tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông sẽ ngày càng nan giải nếu không có giải pháp khắc phục.
“Chỉ có một con đường để đổi mới quy hoạch đô thị, đó là phải bỏ kiểu quy hoạch chính trị và quy hoạch “xin - cho” để chuyển sang quy hoạch chiến lược theo dạng hợp tác quy hoạch giữa chính quyền, nhà chuyên môn, nhà đầu tư, với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của người dân tại địa điểm quy hoạch. Bởi quy hoạch không phải việc của riêng chính quyền đô thị, mà là công việc của mỗi công dân đô thị”, bà Thục nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phát triển đô thị kiểu “phong trào” là do khâu thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém.
“Một thời gian dài, chúng ta thực hiện quy hoạch theo kiểu đã có quy hoạch chung là coi như xong. Các chủ đầu tư bám vào quy hoạch chung để “chấm” dự án, nhưng điều này là sai lệch cơ bản, vì quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, sau nó là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.... Đây mới chính là một bộ công cụ để quản lý đầy đủ về đô thị và cũng là công cụ để thực hiện quy hoạch”, ông Chiến cho biết.
Cũng theo ông Chiến, việc chỉ dựa vào quy hoạch chung để hình thành các dự án đã dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, không xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của các đô thị. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn lực dành cho phát triển đô thị bị phân tán, mất cân đối cung cầu và dẫn đến tình trạng “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”. Nhà nước không những mất vai trò định hướng, mà còn trở thành người đi sau nhà đầu tư để hợp thức hóa các dự án.
Ở góc độ khác, theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu xây dựng các khu đô thị mới thành khu đô thị du lịch - văn hóa, ngoài việc giải quyết triệt để ùn tắc giao thông, cần tạo nên sức hút bằng cảnh quan đẹp, hài hòa, cân đối. Bằng mọi giá phải quản lý được không gian chung, đất công thì mới có thể bảo vệ quy hoạch ban đầu. Chính yếu tố quản lý đất công cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển, vận hành mạng lưới giao thông. Đơn cử, nếu đường sá còn bị lấn chiếm, thu hẹp, méo mó, thì giao thông còn bị ảnh hưởng nặng nề.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, KTS. Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để quy hoạch đô thị Hà Nội đi vào quy củ, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, nhất là chế tài xử phạt phải đủ mạnh và vấn đề quản lý phải chặt chẽ.
Bởi chính cấp quản lý, giám sát quy hoạch lỏng lẻo tạo kẽ hở cho sai phạm trật tự xây dựng hàng loạt, phá vỡ quy hoạch đô thị Hà Nội suốt thời gian qua.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy