Dòng sự kiện:
Saigon Cargo Service hưởng lợi từ tăng chi phí vận chuyển hàng hải
13/02/2022 11:46:09
Sự gia tăng “phi mã” của giá cước vận tải biển trên toàn cầu gián tiếp giúp vận tải hàng không trở thành phương thức cạnh tranh hơn để vận chuyển hàng hóa và những đơn vị như Saigon Cargo Service được lợi.

Saigon Cargo Service được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh để tăng trưởng cả về sản lượng và giá dịch vụ.

Phục hồi tăng trưởng

Sau năm 2020 sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, kết quả kinh doanh của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service) đã tăng trưởng trở lại trong năm 2021 với lợi nhuận vượt qua cả năm 2019, là năm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát.

Báo cáo tài chính của Saigon Cargo Service cho biết, riêng trong quý IV/2021, doanh thu của Công ty đã đạt 262,7 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với thực hiện cùng kỳ 2020 và lợi nhuận trước thuế đạt 170,5 tỷ đồng, tăng 23,7%.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc Saigon Cargo Service, do ảnh hưởng của Covid-19 nên dòng cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không lại tăng lên. Sản lượng phục vụ của Công ty tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thu nhập tài chính của Công ty còn tăng 30% so với cùng kỳ, góp phần làm tăng lợi nhuận.

Tăng trưởng mạnh trong quý IV/2021 đã bù đắp đáng kể sự chững lại của quý III, khi những biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến số lượng chuyến bay trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục, kéo giảm sản lượng hàng hóa trong nước.

Giá cước vận tải nội địa năm 2022 sẽ tăng lên đáng kể khi hoạt động sản xuất hồi phục trở lại, trong khi nguồn cung tàu đang khan hiếm do một nửa đội tàu trong nước đang ký hợp đồng cho thuê ra thị trường quốc tế.

Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của Saigon Cargo Service đạt 839,1 tỷ đồng, tăng 21,1% so với thực hiện trong năm 2020. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 606,3 tỷ đồng, tăng 21,4%. So với mục tiêu 780 tỷ đồng doanh thu và 540 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, Công ty đã thực hiện được 108% mục tiêu về doanh thu và 112% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Một nguyên nhân quan trọng khiến cả doanh thu và lợi nhuận của Saigon Cargo Service trong năm vừa qua tăng trưởng là do sự gia tăng “phi mã” của giá cước vận tải biển trên toàn cầu, qua đó giúp vận tải hàng không đã trở thành phương thức cạnh tranh hơn để vận chuyển hàng hóa. Giá dịch vụ của Saigon Cargo Service cũng gia tăng khi các khách hàng đến thời điểm gia hạn hợp đồng.

Duy trì lợi thế cạnh tranh

Bước sang năm 2022, giá cước vận tải biển được sự báo vẫn duy trì ở mức cao, qua đó tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho vận tải hàng không nói chung và Saigon Cargo Service nói riêng.

Theo báo cáo Triển vọng ngành cảng biển & logistics năm 2022, do khối phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây đánh giá, tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu chưa thể giảm bớt, ít nhất là tới quý II/2022, năng lực vận chuyển container hạn chế khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, khối lượng tàu container đặt đóng mới dự kiến phải đến năm 2023-2024 mới được bàn giao, trong khi các hoạt động tái dự trữ hàng tồn kho sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vận chuyển container trong năm nay.

SSI Research dự báo, nửa cuối năm 2022, giá cước vận chuyển container giao ngay trên thị trường quốc tế mới giảm dần khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt. Giá cước vận tải nội địa năm 2022 sẽ tăng lên đáng kể khi hoạt động sản xuất hồi phục trở lại, trong khi nguồn cung tàu đang khan hiếm do một nửa đội tàu trong nước đang ký hợp đồng cho thuê ra thị trường quốc tế.

Trong khi giá cước vận tải tiếp tục neo cao, sản lượng hàng hóa của Saigon Cargo Service được dự báo cũng sẽ tiếp tục gia tăng, khi hoạt động sản xuất trong nước hồi phục trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Trong đó, vận chuyển nội địa sẽ phục hồi mạnh. Hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ có Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) là đối thủ cạnh tranh duy nhất với Saigon Cargo Service, song TCS đang hoạt động vượt công suất thiết kế, nên Saigon Cargo Service được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh để tăng trưởng cả về sản lượng và giá dịch vụ.

Về dài hạn, Saigon Cargo Service còn có triển vọng mở rộng thị trường khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo Công ty cho biết, giai đoạn I, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm, Saigon Cargo Service có nhiều lợi thế để tham gia đầu tư vào dự án đến từ kinh nghiệm, thực tiễn, hệ thống quản trị và khách hàng sẵn có. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I - dự án thành phần 3, hiện cũng là cổ đông lớn của Saigon Cargo Service.

Tác giả: Khắc Lâm

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến