Dòng sự kiện:
Sân bay quá vắng: Giảm giá vé, miễn thị thực kéo khách đến Cần Thơ
20/04/2022 06:41:02
Giảm giá vé, ưu tiên slot, miễn thị thực đối với người nước ngoài trực tiếp đến sân bay Cần Thơ là hàng loạt giải pháp được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất để thu hút khách.

Sân bay lớn nhưng vắng khách

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Cần Thơ, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động khai thác tại Cảng Cần Thơ trong năm 2020 và 2021 sụt giảm mạnh. Lượng khách đi/đến sân bay này năm 2020 đạt 1 triệu người, giảm 22,3% so năm 2019; năm 2021 chỉ còn 513.000 khách, giảm 50,6% so năm 2020 và giảm 61,5% so năm 2019.

Sang năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hãng hàng không đang khôi phục lại các đường bay nội địa đến Cần Thơ với mạng đường bay và tần suất ở mức tương đương với năm 2019.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, với lịch bay mùa Hè (từ 27/3 đến 29/10), 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways sẽ khai thác 7 đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Phú Quốc và Côn Đảo đi/đến Cần Thơ với tần suất là 125 chuyến bay/tuần (16-18 chuyến bay/ngày).


Sân bay Cần Thơ hoạt động chưa hết một nửa công suất vì vắng khách

Với hàng không quốc tế, các hãng Thai AirAsia (Thái Lan) và AirAsia (Malaysia) cũng mong muốn khai thác trở lại các đường bay từ Kuala Lumpur, Bangkok đi/đến Cần Thơ khi xin lại slot lịch bay mùa Hè 2022.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại ĐBSCL, các hãng hàng không đang áp dụng mức giá vé trên các đường bay đi/đến từ Cần Thơ khác thấp hơn so với mặt bằng các đường bay tương tự từ TP.HCM.

Nhờ đó, kết quả vận chuyển quý I/2022 cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực khi sản lượng thông qua đạt trên 188.000 khách và bằng 82% so cùng kỳ 2019. Chỉ riêng giai đoạn từ 1/4 đến 12/4, lượng hành khách đi/đến Cần Thơ đạt 42.300 người, tăng 11% so cùng kỳ năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng như cao điểm hè khi các hãng hàng không đưa ra các chương trình khuyến mại, kích cầu.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, các đường bay đi/đến Cần Thơ chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại nội tại của bà con nhân dân khu vực này. Khách du lịch đến Cần Thơ, nguồn khách lớn của các hãng hàng không trên các đường bay nội địa vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, kết hợp công tác là chính, chưa phải là nguồn khách lớn, thường xuyên, ổn định do sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp; cơ sở lưu trú hạn chế và công tác quảng bá du lịch chưa thực sự hiệu quả.

Lý do, trong khi Cần Thơ là thành phố trực thuộc TƯ, là trung tâm kinh tế của khu vực ĐBSCL và có sân bay lớn thứ 6 tại Việt Nam, nhưng so với Hải Phòng (sân bay Cát Bi), Nghệ An (sân bay Vinh), Lâm Đồng (sân bay Liên Khương) hay Thừa Thiên - Huế (sân bay Phú Bài) thì lượng khách qua đây đều thấp hơn và không thể so với các sân bay ở các điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.

Kết cả khi các hãng bay tung ra các chương trình kích cầu, khuyến mại với giá vé thấp hơn so với các đường bay có độ dài tương đương, việc ít khách du lịch đến Cần Thơ cũng là nguyên nhân khiến các hãng cân nhắc bài toán chi phí khi mở rộng hoạt động khai thác đến đây, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng hơn 50% so với năm 2018.

Vì thế mà ngay cả giai đoạn cao nhất trước dịch Covid-19, sân bay Cần Thơ mới đạt hơn 40% công suất của nhà ga và xấp xỉ 15% công suất của đường cất/hạ cánh. Rõ ràng, không có khó khăn, cản trở khi sân bay này tiếp nhận nhiều chuyến bay hơn, Cục Hàng không nhận định.


Tuy có nhiều tiềm năng nhưng Cần Thơ và khu vực ĐBSCL chưa thu hút được đông đảo khách du lịch

Miễn thị thực cho khách lưu trú 2 đêm ở Cần Thơ

Từ đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất một số giải pháp để thu hút hành khách đi/đến Cần Thơ, cụ thể như: Sửa đổi Thông tư về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không để giá dịch vụ hàng không đối với toàn bộ các chuyến bay đi/đến Cần Thơ (thường lệ, không thường lệ) đến hết năm 2025 bằng 30% khung giá và từ 2026 đến hết năm 2030 bằng 70% khung giá.

Ngoài ra, điều chỉnh giá trần vận chuyển hành khách nội địa thường lệ trên các đường bay nội địa đi/đến Cần Thơ bằng 80% so với khung độ dài đường bay hiện tại, thí điểm từ nay đến hết năm 2022; kiến nghị Tỉnh Cần Thơ và các tỉnh khác thuộc ĐBSCL có cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không.

Cơ quan này sẽ ưu tiên xác nhận giờ hạ cất cánh (slot) tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho các chuyến bay đến Cần Thơ (dự kiến từ 1/5) khi được phép; yêu cầu Tổng công ty Cảng Việt Nam (ACV) và sân bay Cần Thơ bố trí khai thác khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế.

Đồng thời, xem xét nâng cao năng lực phục vụ tại Phú Quốc (bổ sung quầy làm thủ tục, nhân lực... ) và sớm có kế hoạch nâng cấp, cải tạo và mở rộng sân bay Cà Mau, Rạch Giá có khả năng tiếp nhận tàu bay A320/321 nhằm đẩy mạnh tiềm năng du lịch, kết nối giao thương.

Đặc biệt, Cục Hàng không đề xuất miễn thị thực cho khách nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến Cần Thơ và có kế hoạch lưu trú tại TP. Cần Thơ tối thiểu 2 đêm.

Các chương trình du lịch có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến khu vực ĐBSCL cũng cần được ưu tiên xây dựng để phát huy thế mạnh vùng, kết nối với các địa phương khác để cung cấp cho du khách các sản phẩm đa đạng, đồng bộ; sớm tổ chức Hội thảo quảng bá du lịch, điểm đến Cần Thơ để thu hút khách...

Theo Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn trước dịch Covid-19 (từ 2015-2019), lượng khách thông qua Cảng HKQT Cần Thơ tăng trung bình 29%/năm. Năm 2019, lượng khách đạt 1,34 triệu lượt, tăng 65% so năm 2018 trong đó có 57,3 nghìn khách quốc tế.

Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 8 đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang, Côn Đảo và Liên Khương đi/đến Cần Thơ, với tổng tần suất là 120 chuyến bay khứ hồi/tuần, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 74%.

Tác giả: Ngọc Hà

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến