Ngày 19/7 vừa qua, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chính thức được đưa vào vận hành. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Sau loạt biến cố, thị trường trái phiếu doanh nghiệp giao dịch ảm đạm với thanh khoản giảm sâu. Trước tình trạng này, cơ quan quản lý đã liên tục đưa ra các giải pháp để phát triển thị trường.
Một trong những giải pháp được cơ quan quản lý quyết liệt thực hiện là đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 19/7/2023.
Mặc dù vậy, theo đánh giá chung sau 3 tuần đi vào hoạt động thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình "phá băng," sẽ có tác động lâu dài tới thị trường, còn trước mắt chưa thể tạo ra đột biến về thanh khoản.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận từ nay tới cuối năm thị trường trái phiếu có thể chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn đầu năm.
Việc vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ tập trung cũng cần thêm thời gian để củng cố, hoàn thiện nhiều yếu tố, đặc biệt là truyền thông, công khai minh bạch thông tin trái phiếu, tổ chức phát hành, phương án sử dụng vốn…
Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, hệ thống giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ hoạt động là cần thiết và phải thực hiện sớm hơn. Trái phiếu riêng lẻ phát hành cần có thị trường mua đi bán lại, việc này giúp những trái chủ không muốn nắm giữ lâu dài có thể bán trái phiếu cho người khác.
Như vậy, việc vận hành thị trường giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ giúp trái phiếu lưu thông dễ dàng và định giá sát hơn. Từ đó, doanh nghiệp phát hành phải đề cao hơn giá trị, uy tín và chất lượng trái phiếu.
Người mua trái phiếu có thể chuyển đổi nhanh chóng, trái phiếu có sự linh hoạt, cơ động, đồng thời tính an toàn cũng được đảm bảo hơn.
Ông Thịnh cho rằng, thị trường giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ được vận hành có tác động lâu dài tới thị trường, còn trước mắt chưa thể tạo ra đột biến về thanh khoản, đặc biệt là các trái phiếu đã phát hành trước đây tính an toàn chưa được đầy đủ và cần tiếp tục xử lý.
Thực tế cho thấy, sau 3 tuần đi vào hoạt động, sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ đạt giá trị giao dịch gần 5.000 tỷ đồng, với 30 mã trái phiếu phát hành riêng lẻ lên sàn.
Hiện hệ thống trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa giúp gia tăng các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 7/2023, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 6, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng, với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng và không có đợt phát hành nào ra công chúng. Thậm chí không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong tuần đầu tiên của tháng 8.
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình phục hồi. (Ảnh minh họa: Vietnam+)
Bộ Tài chính cho biết lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7, có 36 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 61.200 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc khai trương hệ thống giao dịch doanh nghiệp trái phiếu riêng lẻ mới chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải làm ở phía trước.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Thị trường đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
Theo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ được kỳ vọng giúp cải thiện thanh khoản, tăng tính minh bạch của thị trường, nhưng VCBS cũng lưu ý rằng việc khai trương hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ là bước đầu trong tiến trình này.
Phó Tổng giám CSI, ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định rủi ro lớn nhất với thị trường trái phiếu vẫn là tính thanh khoản, tổ chức phát hành không thể thanh toán được gốc và lãi trái phiếu khiến rủi ro mất vốn của nhà đầu tư là cao, điều này ảnh hưởng tới uy tín của thị trường trái phiếu rất nhiều.
Việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung sẽ giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch thứ cấp các trái phiếu mà họ đang nắm giữ, thay vì chờ đợi tổ chức phát hành mua lại trái hạn.
Mặc dù vậy, cũng phải cần thêm thời gian để thị trường này thực sự phát triển, nâng cao tính minh bạch thông tin.
Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn và trong ngắn hạn chưa thể có những chuyển biến rõ rệt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, sự trầm lắng của thị trường trái phiếu giai đoạn vừa qua đến từ nhiều yếu tố: Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu còn thấp, do thị trường vừa trải qua cú sốc thanh khoản; rất nhiều doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán được gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trước đây và hầu hết đã phải xin gia hạn thời hạn trái phiếu theo chủ trương của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế mà Chính phủ đã ban hành trước đó.
Trái chủ ở thế bị động và không còn phương án nào khác là buộc phải chấp thuận việc đơn phương gia hạn của tổ chức phát hành, mặc dù Nghị định 08 có nêu rõ quyền của trái chủ, nhưng tính khả thi là không cao, khi tổ chức phát hành mất khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, không có nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện để phát hành trái phiếu thành công theo luật mới, với nhiều điều kiện khắt khe hơn.
Sự trầm lắng của thị trường trái phiếu đều xuất phát từ yếu tố niềm tin và để khôi phục lại niềm tin vào thị trường sẽ cần thêm thời gian, ông Ngọc nhận định.
“Phải làm sao nâng cao được chất lượng phát hành là yếu tố quan trọng nhất, ở đây khâu kiểm duyệt ban đầu cần được đề cao. Các điều kiện về tổ chức phát hành, điều kiện phát hành, phương án sử dụng vốn sau phát hành, giám sát sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả…,” ông Ngọc nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, làm được điều này thì trái phiếu phát hành sẽ có hiệu quả đầu tư cao, doanh nghiệp phát hành có thể đầu tư hiệu quả, từ đó việc thanh khoản gốc và lãi cho trái chủ mới được đảm bảo.
Việc công khai minh bạch thông tin tuân thủ quy chế công bố thông tin nghiêm ngặt của tổ chức phát hành cũng sẽ giúp nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định đầu tư.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, dù đã qua giai đoạn được xem là tồi tệ nhất, tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình phục hồi.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn còn tiếp tục tăng lên.
Xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bắt đầu có sự cải thiện từ đáy mức đáy trong quý 4/2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nếu thanh khoản không cải thiện, nhiều nhà phát hành trái phiếu sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.
Việc sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành gần đây sẽ phần nào giải quyết câu chuyện thanh khoản trái phiếu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ.
Bởi lẽ, trong trường hợp nhà phát hành chưa thể cấu trúc tài chính, dòng tiền, chưa trả nổi nợ cũ thì lại đem lên sàn bán sẽ khiến khoản nợ trái phiếu có nguy cơ ngày càng phình to.
Khi đó, câu chuyện quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết hơn so với ở thời điểm hiện tại.
Ông Hà kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, gỡ vướng và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong việc thanh toán nợ, gốc cho nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp. Đây vẫn là giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay.
Việc giám sát thật chặt chẽ và xử lý thật nghiêm nếu xảy ra tiêu cực trong khâu chấp thuận tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp của các công ty chứng khoán cũng rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ở tỷ lệ phù hợp.
Ông Hà cũng cho rằng, cần có những chính sách minh bạch thông tin và tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu, từ đó hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về kênh mình đầu tư, cũng như tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp./.
Tác giả: Văn Giáp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy