Dòng sự kiện:
Sắp họp lại đại hội cổ đông, Eximbank 'câu giờ' được bao lâu?
13/07/2020 16:42:29
Hôm 30/6, Eximbank 'vỡ' cả hai đại hội: ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (buổi sáng) và ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 (buổi chiều). Nhà băng này dự kiến tổ chức lại ĐHĐCĐ lần 2 vào 29/7 tới đây. Liệu đại hội có thể tiến hành?

"Vỡ" cả hai đại hội, Eximbank "câu giờ" được bao lâu?

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa công bố nghị quyết tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 lần 2. Thời gian tổ chức dự kiến vào ngày 29/7.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng, cuộc họp đại hội cổ đông lần 2 được tổ chức trong thời gian 30 sau khi đại hội lần 1 bất thành. Tại đại hội lần 2 tới đây, chỉ cần số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội có thể tiến hành.

Eximbank dự kiến tổ chức lại đại hội lần 2 vào ngày 29/7

Eximbank đến nay là ngân hàng duy nhất chưa thể tổ chức thành công đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020. Kịch bản năm trước lặp lại khi các cổ đông Eximbank tham đự đại hội thường niên sáng ngày 30/6 không đại diện đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết để tiến hành họp.

Không thể tiến hành như phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào buổi sáng, nhưng phiên ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 cho thấy cục diện khả dĩ hơn, với sự tham dự của 129 cổ đông, đại diện cho 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 là do cổ đông lớn nhất SMBC đã triệu tập để bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT của chính ông Yasuhiro Saitoh, cắt giảm số lượng thành viên HĐQT, bỏ phiếu "không bãi nhiệm" hoặc "bãi nhiệm" với từng thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, cuộc họp này cũng bất thành khi cổ đông có mặt vẫn không đại diện đủ ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết.

Động thái kiên quyết của cổ đông Nhật Bản SMBC trong việc “loại” đồng hương Saitoh và trước đó là Moriwaki - những người mà chính họ đã tín nhiệm đề cử và bỏ phiếu bầu – là một ví dụ điển hình cho sự thất vọng của các cổ đông với người thực hiện quyền của họ ở thượng tầng Eximbank. Và phần nào đó là về sự khó lường của một số thành viên HĐQT Eximbank.

Việc ngay trước thềm 2 phiên đại hội, nhóm 6 thành viên HĐQT Eximbank bất ngờ đưa ông Yasuhiro Saitoh lên thay ông Cao Xuân Ninh ngồi ghế Chủ tịch HĐQT – vị trí mà đến nay vẫn bị không ít cổ đông vẫn phản đối về tính hợp pháp trong quá trình chuyển giao trước đó – bất chấp kiến nghị của SMBC càng cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc giữa nhóm cổ đông lớn và nhóm cầm quyền trong HĐQT Eximbank.

"Liên hoàn" ĐHĐCĐ của Eximbank không thành

Theo thống kê, kể từ đầu năm 2016 đến phiên họp gần đây nhất ngày (30/6), Eximbank đã tổ chức ít nhất 9 phiên họp ĐHĐCĐ, nhưng chỉ có 2 trong số đó là thành công, đó là chưa kể các lần đại hội khác bị hoãn vì nhiều lý do.

Một là phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 (lần thứ 33) tổ chức vào ngày 21/4/2017, đại hội đã thông qua 15/17 tờ trình trong đó có việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Naoki Nishizawa. Thứ hai là phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (lần thứ 34) tổ chức vào ngày 27/4/2018, trong đó có việc bầu bổ sung bà Lương Thị Cẩm Tú vào HĐQT của Eximbank.

Năng lực của HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì vậy, không khỏi khiến nhiều cổ đông băn khoăn.

Ghi nhận, các phiên họp ĐHĐCĐ của Eximbank đều có sự tham dự của nhiều cổ đông lớn tuổi, những người đã nắm giữ cổ phiếu EIB nhiều năm. Họ đã rất kiên nhẫn, dành thời gian, công sức để tham dự đại hội dù có dự cảm về những cuộc họp không thành. Đằng sau đó là cuộc tranh chấp quyền lực không khoan nhượng, những mối bất hòa, giữa các nhóm cổ đông lớn của Eximbank.

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến