Sáng nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, nghị quyết của UB Thường vụ QH và lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2020 (sáp nhập huyện, xã).
Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ tạo thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...
Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý: "Việc sắp xếp tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào rất khó, đòi hỏi phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện".
Dẫn câu chuyện của Hà Nội từ năm 1976 đến nay đã qua 3 lần chia tách, sáp nhập, bà Hằng nêu kinh nghiệm khi thực hiện nghị quyết của QH về điều chỉnh địa giới hành chính, hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã tỉnh Hòa Bình.
"Đây là việc rất khó, lãnh đạo Hà Nội bàn bạc rất kỹ. Sau 10 năm, việc hợp nhất đem lại tiềm năng phát triển to lớn cho TP, đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt cả vật chất và tinh thần", bà nhấn mạnh.
Trước khi sắp xếp phải nhận diện rõ các đơn vị hành chính từ huyện đến xã và đề ra nguyên tắc, tiêu chí khung.
Ngoài quy mô dân số, diện tích, cần xem xét về cơ cấu kinh tế, kết nối hạ tầng, vị trí địa lý, việc kết nối giao dịch cộng đồng dân cư, yếu tố lịch sử, văn hóa… và phải quan tâm đến chính sách cho cán bộ dôi dư.
"Kinh nghiệm của Hà Nội sau khi hợp nhất là cộng chung số lượng cán bộ thành ủy, HĐND, UBND. Như Sở VH-TT-DL có 13 PGĐ, giảm dần sau 5 năm về đúng số lượng PGĐ theo quy định (Sở này đã tách thành Sở Văn hóa Thể thao có 2 PGĐ và Sở Du lịch có 1 PGĐ - PV)", bà Hằng dẫn chứng.
Phó bí thư Hà Nội cho rằng, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư khi hợp nhất để ổn định tư tưởng, đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. Nếu không làm tốt việc này sẽ tạo sự mất ổn định, khó khăn.
Về lộ trình thực hiện, bà Hằng đề nghị làm từng bước, bởi làm đồng bộ một lúc sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm và nhiệm vụ chính trị năm 2019-2020.
Không thể bảo lưu 2 chức danh trong 5 năm
Về phần mình, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải lại băn khoăn việc sáp nhập huyện, xã nếu chia 2 đợt vào năm 2019 và 2020 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại hội Đảng bộ các cấp.
"Nếu đến quý 1/2020 mới sáp nhập các xã cuối cùng thì tính toán, sắp xếp nhân sự cũng như chuẩn bị phương án nhân sự cho đại hội không thể kịp. Nếu kéo dài tiến độ đại hội cấp xã thì ảnh hưởng đến đại hội cấp huyện, tỉnh", ông Hải lo lắng.
Ông đề nghị sáp nhập huyện, xã 1 lần trong năm 2019, không kéo dài sang 2020 bởi không nên sáp nhập bằng mọi giá, mà chỉ khuyến khích những nơi có điều kiện.
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trần Quốc Huy cũng lo lắng sáp nhập xã là khó về vấn đề cán bộ.
Theo ông, nếu đơn vị hành chính có 3 xã sáp nhập lại, các chức danh bầu thì phải luân chuyển chứ không thể ở đó bảo lưu chế độ được. Có thể 2 chủ tịch bảo lưu trong vòng 5 năm nhưng các chức danh không thể có 2 được.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng băn khoăn khi sáp nhập xã miền núi sáp với miền xuôi thì áp dụng chính sách nào.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cũng băn khoăn sáp nhập xã và huyện có nên chia ra 2 lộ trình, nếu nhập xã giao cho tỉnh còn nhập huyện giao cho TƯ quyết định.
Về lựa chọn cán bộ đứng đầu, Sở Nội vụ Nghệ An đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể.
"Nếu nhập 2-3 xã thì ai là Chủ tịch? Hay Bí thư đoàn thanh niên, Chủ tịch MTTQ cũng quy định bầu trong Đại hội nhưng chưa tổ chức Đại hội thì bầu ai, cử ai, lựa chọn thế nào rồi chờ các bước tiếp theo, hay chỉ định, lấy phiếu tín nhiệm...", Sở Nội vụ Nghệ An nêu hàng loạt vấn đề.
Không sáp nhập cơ học
Chia sẻ những lo lắng trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Các địa phương trong quá trình sáp nhập, nếu không cẩn thận sẽ mang tính cơ học".
Ông đề nghị địa phương bám sát nghị quyết của Bộ Chính trị và UB Thường vụ QH, trong đó có nguyên tắc sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
"Đây là dịp thực hiện tốt nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên hết sức tránh hợp nhất hết đội ngũ cán bộ, công chức của 2,3 xã vào nhau mang tính cơ học. Cần cố gắng rà soát đánh giá, phân loạn cán bộ, công chức. Đội ngũ dôi dư có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế; những trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn có thể dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác", ông giải đáp.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân lưu ý từ nay đến cuối tháng hoàn thành dự thảo nghị quyết để Bộ trình Chính phủ kế hoạch, đầu tháng sau có thể thực hiện.
Bộ đề nghị Ban Tổ chức TƯ có hướng dẫn, sắp xếp trong bộ máy chính trị tiến tới Đại hội Đảng các cấp thời gian tới để các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, trường hợp 2 đơn vị sáp nhập nhưng bị chia cắt về vị trí địa lý thì không phải sáp nhập. Địa phương cần cân nhắc vấn đề truyền thống lịch sử, văn hoá, đảm bảo sắp xếp ổn định và phát triển, không sắp xếp bằng bất cứ giá nào.
Ông cũng lưu ý cần chú trọng việc chuyển đổi giấy tờ và ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo VietNamNet
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy