Dòng sự kiện:
Sáu cổ phiếu nhân đôi tài khoản trong tháng 8
06/09/2022 09:15:20
Các mã tăng mạnh nhất trong tháng 8 hầu hết có thanh khoản và vốn hóa khá thấp trên sàn UPCOM và HNX.

Thị trường chứng khoán có sự hồi phục đáng kể trong tháng 8 nhờ lực cầu mạnh lên và áp lực bán suy yếu. Dòng tiền ghi nhận sự tích cực ở khối ngoại và nhóm tự doanh, trong khi nhà đầu tư trong nước bán ròng.

VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng ở mức 1.280,51 điểm, tương ứng tăng 71,18 điểm (6,15%) so với cuối tháng 7. Dù vậy chỉ số đại diện sàn HoSE vẫn thấp hơn 14,5% so với thời điểm đầu năm.

Thống kê từ Stockq, sự phục hồi mạnh mẽ đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tốt nhất thế giới trong tháng 8, ngược dòng với các thị trường lớn trên thế giới.

Các chỉ số đi lên giúp cho quy mô vốn hóa thị trường hồi phục đáng kể. Tổng giá trị vốn hóa trong tháng 8 đã tăng thêm gần 328.800 tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD).

Thanh khoản toàn thị trường cũng có sự mở rộng với nhiều thông tin tích cực được công bố. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 18.500 tỷ đồng/phiên, cao hơn 35% so với tháng liền trước.

Theo VNDirect, sự phục hồi mạnh mẽ của chỉ số trong tháng 8 được hỗ trợ bởi các yếu tố gồm lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, tâm lý thị trường được cải thiện với kỳ vọng Fed giảm tốc quá trình tăng lãi suất trong quý IV và đà tăng được thúc đẩy nhờ sự tham gia của dòng tiền đầu cơ.


VN-Index hồi phục hơn 6% trong tháng 8. Đồ thị: TradingView.

Sự hồi phục của thị trường có sự đóng góp quan trọng bởi đà đi lên của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong 50 mã lớn nhất thị trường có đến 42 mã tăng giá và chỉ 8 mã giảm giá, tiêu biểu như mức tăng mạnh 25% của BCM hay 21% của MWG.

Tuy nhiên, xét về mức độ tăng giá thì nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và thanh khoản thấp lại ghi nhận con số ấn tượng hơn. Thậm chí có 6 mã giúp tài khoản nhà đầu tư "ăn bằng lần" trong tháng 8.

Quán quân được ghi nhận là mã CFV của Cà phê Thắng Lợi khi có chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp để leo vọt lên 22.700 đồng, tức tăng đến 184% trong tháng vừa qua.

Tuy nhiên đây là mã thanh khoản rất thấp với chỉ vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Tổng khớp lượng khớp trong tháng 8 chỉ đạt 5.300 cổ phiếu, trên tổng số lượng đang lưu hành là 12,65 triệu cổ phiếu.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan đến biến động giá như trên, thậm chí là công ty còn có thông tin bất lợi khi báo lỗ gần 3 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay nên không có căn cứ để giải trình việc cổ phiếu liên tục tăng trần.

Tăng giá không kém là mã TAW của công ty Cấp nước Trung An khi bất ngờ có một số phiên tăng trần hồi đầu tháng 8 nhưng rồi sau đó cũng mất thanh khoản cho đến nay. Hiện mã này đứng tại 19.400 đồng, tăng 159% sau một tháng.

Các mã tăng hơn 100% còn lại là BTH của Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội, DXL của Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn, HD2 của Đầu tư Phát triển nhà HUD2 và THS của Thanh Hoa Sông Đà.

Phần lớn mã tăng mạnh đến từ sàn đại chúng chưa niêm yết UPCOM với biên độ dao động lớn nhất vào khoảng 15%/phiên, trong khi mã trên sàn niêm yết HNX được giao dịch quanh 10%/phiên và HoSE là 7%/phiên.

Các cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng thường là các mã có vốn hóa khá nhỏ chỉ vài trăm tỷ đồng, thậm chí còn dưới 100 tỷ đồng. Việc thanh khoản thấp và vốn hóa nhỏ giúp biến động của các mã này diễn ra nhanh và mạnh hơn.

Bên cạnh các mã "tăng bằng lần" thì cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng của một số cổ phiếu khác có thanh khoản cao. Đáng kể như KPF của Đầu tư tài chính Hoàng Minh trên sàn niêm yết HoSE.

Trong tháng 8, mã KPF ghi nhận mức tăng gần 99% lên 21.050 đồng, đưa vốn hóa vượt 1.100 tỷ đồng. Tổng khớp lượng khớp lệnh trong tháng đạt gần 3,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 65 tỷ đồng.

Hay như mã PTL của Victory Capital cũng nhảy vọt 83% lên 8.240 đồng dù có biên độ dao động khá hẹp trên HoSE. Mã này ghi nhận lượng thanh khoản lớn với gần 11,2 triệu cổ phiếu được trao tay, tương đương giá trị hơn 75 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường có sự hồi phục với nhiều mã tăng mạnh nhưng cũng có nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường với mức giảm khá lớn.

Diễn biến tiêu cực nhất trong tháng vừa qua thuộc về mã VHH của Kinh doanh nhà Thành Đạt khi lao dốc 60% về 3.500 đồng và PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định cũng rơi gần 60% còn 11.017 đồng. Ngoài ra còn có 6 mã khác có mức giảm hơn 40% trong tháng.

 Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến