Dòng sự kiện:
Sau hơn 1 năm bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết còn bao nhiêu cổ phần tại FLC?
14/08/2023 17:28:46
Ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu trên 215,4 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ, trong khi hầu hết lãnh đạo FLC và người nhà không nắm giữ hoặc sở hữu rất khiêm tốn cổ phiếu này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC mới đây công bố báo cáo quản trị công ty bán niên cho thấy, đến ngày 30/6, ông Trịnh Văn Quyết và gia đình vẫn giữ ảnh hưởng lớn tại doanh nghiệp này.

Theo đó, ông Quyết đang sở hữu trên 215,4 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ tập đoàn. Trong khi đó, ông Lê Bá Nguyên là anh vợ của ông Quyết đang đóng vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FLC.

Ngoại trừ ông Quyết có cổ phần tại FLC, còn lại các thành viên trong gia đình, có liên quan với ông Lê Bá Nguyên, bao gồm cả bà Lê Thị Ngọc Diệp (em gái ông Nguyên và là vợ ông Quyết) không trực tiếp nắm cổ phần công ty.

Ngoài ra, trong danh sách lãnh đạo và người có liên quan tới người nội bộ của FLC cho đến nay hầu hết không nắm giữ hoặc nắm giữ rất khiêm tốn cổ phần doanh nghiệp.

Ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bị bắt tạm giam ngày 29/3/2022 để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Liên quan đến vụ án này, ban đầu có 5 người bị bắt gồm Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế, nguyên nhân viên kế toán tổng hợp FLC; Hương Trần Kiều Dung, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán BOS kiêm Phó chủ tịch thường trực FLC; Trịnh Thị Thúy Nga, nguyên thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc và Nguyễn Quỳnh Anh, nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS.

Cuối tháng 6/2022, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung; ngoài ra còn có 2 em gái của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.

Cơ quan điều tra xác định các bị can có hành vi tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros. Khi công ty này niêm yết ROS trên sàn chứng khoán, cựu chủ tịch FLC đã bán toàn bộ số cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Đến tháng 6 vừa qua, liên quan vụ án cựu Chủ tịch FLC "thổi giá" cổ phiếu, cơ quan điều tra khởi tố thêm 15 người về tội thao túng thị trường chứng khoán. Trong số 15 bị can này có nhiều người có mối quan hệ thân thiết, có người là cha - con, có người là vợ - chồng nay cùng bị khởi tố vì có vai trò đồng phạm trong vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC sau khi bị đình chỉ giao dịch từ tháng 9/2022 và bị hủy niêm yết trên sàn HoSE hồi tháng 2, cổ phiếu FLC vẫn chưa được trở lại giao dịch.

Ngay sau khi dời sàn sang UPCoM, FLC đã lập tức nằm trong diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24/2 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Không những vậy, mã này còn liên tiếp nhận các quyết định từ HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch ngày 22/5 do chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày; vào diện cảnh báo từ ngày 13/7 do tổ chức đăng ký giao dịch chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài BCTC kiểm toán năm 2021, tập đoàn này cũng chưa nộp BCTC kiểm toán bán niên 2022 và cả năm 2022. BCTC tự lập quý 4/2022 và quý 1/2023 cũng chưa được công bố.

Trong một diễn biến mới nhất, ông Lê Thái Sâm đã nộp đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT FLC sau khi ông này được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. Ông Sâm sở hữu hơn 50% vốn điều lệ hãng bay nhưng không sở hữu cổ phần nào tại FLC.

Tác giả: Mai Chi

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến