Dòng sự kiện:
Sáu kế trả đũa của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
20/09/2018 16:46:02
Trên thực tế, giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ gấp 4 lần số hàng hóa Washington xuất khẩu sang Bắc Kinh. Tuy nhiên, vẫn có 6 phương kế để Trung Quốc đáp trả Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 tuyên bố vào áp dụng mức thuế 10% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 24/9 và biểu thuế này tiếp tục tăng lên 25% từ năm 2019.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định nguy cơ tương tự với hàng hóa trị giá 500 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, tính riêng năm 2017 toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đến Mỹ đạt mốc 500 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: BBC

Vậy Trung Quốc có thể áp dụng những phương kế nào để đáp trả lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại này?

1. Gây khó cho các công ty Mỹ

Ông Julian Evans-Pritchard tại công ty nghiên cứu có trụ sở ở London Capital Economics đánh giá các công ty Mỹ có thể trở thành mục tiêu tiềm năng trong màn trả đũa của Trung Quốc. Doanh nghiệp Mỹ đã thu về khoảng 300 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc, và ví dụ điển hình về thành công là Apple.

Ông Julian Evans-Pritchard nhận định Trung Quốc có thể gây khó cho các công ty Mỹ qua việc làm chậm quá trình hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, trì hoãn hoặc từ chối đơn xin thị thực, thậm chí tận dụng hoạt động kiểm tra an toàn để làm cớ đóng cửa hoạt động của công ty Mỹ.

Đài BBC (Anh) dẫn lời ông Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington cho rằng Trung Quốc sẽ nhắm đến những công ty Mỹ kết nối lỏng lẻo. Theo ông Hufbauer, Trung Quốc có thể gây sức ép lên những công ty này qua các quy tắc quan liêu.

Tuy nhiên, ông Hufbauer cũng cảnh báo việc sử dụng phương pháp này sẽ gây tổn thương cho kinh tế Trung Quốc bởi các công ty Mỹ cũng đóng góp trong phát triển kinh tế của Bắc Kinh.

2. Hạn chế du lịch tới Mỹ

Thặng dư mậu dịch trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ và Trung Quốc trong năm 2016 là 38 tỷ USD. Trong đó, Mỹ cung cấp dịch vụ đến Trung Quốc nhiều hơn.

Phần lớn thặng dư này xuất phát từ hầu bao của các khách du lịch Trung Quốc. Tính riêng năm 2016, hơn 130 triệu người Trung Quốc đã du lịch nước ngoài và chi tiêu khoảng 260 tỷ USD. Mỹ là một trong những địa điểm du lịch khách Trung Quốc ưu ái.

Như vậy, trong trường hợp Trung Quốc hạn chế du lịch đến Mỹ thì ngành công nghiệp không khói của xứ sở cờ hoa chắc chẳn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Trung Quốc từng áp dụng phương pháp này với Hàn Quốc trong năm 2017 để phản đối việc Seoul chấp thuận cho Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ.

3. Phá giá đồng nhân dân tệ

Việc giảm giá trị đồng nhân dân tệ sẽ góp phần làm đòn bảy cho xuất khẩu của Trung Quốc khi hàng hóa từ quốc gia này sẽ rẻ hơn.

Các nhà phân tích đề cập đến thực tế rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không trợ giá đồng nội tệ trong lần gặp khó khăn gần đây cho thấy Bắc Kinh đang để mọi thứ trôi theo tác động của thị trường. Đặc biệt, việc đồng nhân dân tệ giảm giá so với USD trong 1 năm cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không có nhiều nhu cầu để can thiệp.

Phá giá đồng nhân dân tệ cũng có thể là một kế sách đáp trả của Trung Quốc. Ảnh: Reuter

4. Bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ

Trung Quốc nắm trong tay hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể gây tác động đến kinh tế Mỹ.

Nếu Trung Quốc bán số lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ thì đây lại là một thất sách bởi khi này Bắc Kinh sẽ mất đi số lượng lớn giá trị tài sản và buộc phải chuyển sang những trái phiếu quốc gia khác ít hấp dẫn hơn. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ Mỹ Trung Quốc bán sẽ được chuyển đến những quốc gia khác.

5. Can thiệp vào đối thoại liên Triều

Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc có thể can thiệp vào nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Mỹ. Tổng thống Trump gần đây từng đăng trên mạng xã hội Twitter rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tôn trọng thỏa thuận với Mỹ nhưng “Trung Quốc lại có thể gây sức ép tiêu cực lên thỏa thuận Mỹ-Triều” do đối đầu thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên trong cuộc chiến tranh năm 1950-1953 và từ đó đến nay Bắc Kinh luôn là đồng minh của Bình Nhưỡng, đồng thời Trung Quốc đóng vai trò đối tác thương mại chính.

6. Tập trung vào kinh tế nội địa

Ông Julian Evans-Pritchard đánh giá lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc là sẵn sàng cho phát triển kinh tế quốc gia này.

Bà Julia Wang tại ngân hàng HSBC đánh giá Trung Quốc sẽ hướng đến mở rộng thương mại với các quốc gia khác ngoài Mỹ. Gần đây Trung Quốc từng tổ chức một chương trình bàn luận về tự do thương mại với quan chức các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Bà Julia Wang nhận xét: “Tôi cho rằng kể từ vài năm trước Trung Quốc đã sẵn sàng đa dạng quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia khác ngoài Mỹ. Và ở thời điểm hiện tại chắc chắn điều này sẽ được đẩy mạnh hơn”.

Theo báo Tin tức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến