Dòng sự kiện:
Sau kiểm toán, HAI báo lỗ từ 4,5 tỷ đồng lên hơn 71 tỷ đồng
14/04/2019 18:09:15
Theo HAI, nguyên nhân chủ yếu của việc giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất là do việc kiểm toán viên loại trừ khoản lãi thu được từ việc chuyển nhượng 15% số vốn góp của công ty mẹ cho một cổ đông thiểu số.

Mới đây, CTCP Nông Dược H.A.I (HOSE: HAI) đã công bố giải trình biến động lợi nhuận sau thuế tại BCTC hợp nhất của doanh nghiệp.

Cụ thể, sau kiểm toán, HAI từ lỗ 4.5 tỷ đồng thành lỗ hơn 71 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía HAI, nguyên nhân chủ yếu của việc giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất là do việc kiểm toán viên loại trừ khoản lãi thu được từ việc chuyển nhượng 15% số vốn góp của công ty mẹ cho một cổ đông thiểu số với số tiền 68.4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía HAI cũng cho biết số lãi từ việc chuyển nhượng vốn góp này vẫn được công ty mẹ ghi nhận đầy đủ.

Về việc doanh thu tăng mạnh sau kiểm toán, HAI giải trình là do nhầm lẫn trong việc hợp nhất doanh thu của các công ty con.

Hiện, cổ phiếu HAI đang trong diện bị kiểm soát.

Cuối năm 2018, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông dược HAI (HAI – HOSE) vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 16/11/2018.

Theo HOSE, nguyên nhân HAI bị đưa vào diện kiểm soát do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo, và HOSE nhận thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Như vậy, với quyết định này, cổ phiếu HAI sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều kể từ ngày 16/11/2018.

Trước đó, cổ phiếu HAI đã bị đưa vào diện cảnh bảo kể từ ngày 2/10/2018 do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2018 được soát xét quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định.

Báo cáo tài chính được kiểm toán là một trong những yếu tố bắt buộc đối với các DN niêm yết hoặc chuẩn bị lên sàn. Tuy nhiên, trên thực tế không hiếm trường hợp DN có báo cáo tài chính đã qua kiểm toán không có lưu ý gì từ phía đơn vị kiểm toán, nhưng sau đó vỡ lở các sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị kiểm toán là phải nâng cao chất lượng kiểm toán, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả kiểm toán.

Ở cương vị lãnh đạo một đơn vị kiểm toán, ông Trần Ðình Cường, Tổng giám đốc E&Y chia sẻ, đối với những DN cố tình gian lận, rất khó để kiểm toán có thể phát hiện. Bởi trên thực tế, kiểm toán cũng chỉ dựa trên các chứng từ tài liệu, nếu những tài liệu này được làm giả một cách có hệ thống thì kiểm toán viên khó có thể xác định được mức độ tin cậy, dù chất lượng kiểm toán tăng lên trong thời gian qua.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán, lãnh đạo DN là người chịu trách nhiệm chính, không phải là bên kiểm toán. Trách nhiệm của kiểm toán là đưa ra sự đảm bảo một cách hợp lý báo cáo có sai sót trọng yếu hay không, lưu ý là đảm bảo hợp lý, chứ không phải là đảm bảo tuyệt đối. Kiểm toán càng không phải là bảo hiểm, nên báo cáo được kiểm toán không có nghĩa là không còn gì sai.

"Ðó là đặc thù của công việc kiểm toán, chúng tôi làm theo cơ sở chọn mẫu, có những đơn vị một năm hay nhiều năm mới kiểm toán một lần. Những việc xảy ra trong quá khứ nhiều khi đến thời điểm kiểm toán không phải lúc nào cũng đủ thông tin", ông Cường cho biết.

"Chúng tôi cũng có hạn chế của mình, nhưng kiểm toán không phải là người đảm bảo cuối cùng. Ðể thúc đẩy sự minh bạch của các DN đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Tất cả các bên, từ UBCK, công ty niêm yết, đến truyền thông cần khắt khe hơn. Tất cả chúng ta cần quyết tâm xây dựng thị trường lành mạnh mới có thể tạo nên một thị trường lành mạnh", Tổng giám đốc E&Y nói. Bản thân các nhà đầu tư cần phải nâng cao khả năng đánh giá DN, đánh giá trên nhiều yếu tố để ra quyết định đầu tư.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến