Dòng sự kiện:
Sắp kiểm toán việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại hàng loạt ngân hàng
09/04/2019 14:01:58
Ngân hàng Nhà nước cùng hàng loạt ngân hàng như Vietinbank, BIDV... và VAMC sẽ là những đối tượng được kiểm toán về công tác xây dựng phương án và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42.

Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trọng tâm kiểm toán là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42; trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết; việc thanh, kiểm tra trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, tại Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của toàn hệ thống. Xác định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 trên các mặt như: giải pháp hạn chế nợ xấu; tính công khai, minh bạch trong việc phát mại, bán các khoản nợ và/hoặc tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu để bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan….

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán việc chỉ đạo, giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết. Đánh giá việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có liên quan trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Tại các tổ chức tín dụng và VAMC, hoạt động kiểm toán sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của các đơn vị. Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 tại tổ chức tín dụng,VAMC thông qua việc: xây dựng các phương án và lộ trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 42; chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Riêng VAMC đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo Nghị định 61/2017/NĐ-CP.

Thông qua hoạt động kiểm toán cũng sẽ phân tích, đánh giá thực trạng các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, đặc biệt lưu ý đánh giá vi phạm pháp luật trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại tổ chức tín dụng, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp xử lý nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 có hiệu quả.

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại các tổ chức tín dụng thông quá đó chỉ ra các sai phạm nhằm kiến nghị kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; đánh giá việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 trên cơ sở đó xác định kết quả đạt được, chưa đạt được; những khó khăn, vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện để đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo Đề cương được ban hành, thời kỳ kiểm toán sẽ kéo dài từ 15/8/2017 đến 31/12/2018.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kết hợp đối chiếu tại 18 TCTD về công tác xây dựng phương án và tổ chức thực hiện NQ42; việc xử lý nợ xấu theo NQ42; thông qua kiểm toán một số hồ sơ xử lý nợ xấu cụ thể để làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chế độ thông tin báo cáo theo hướng dẫn của NHNN. 

18 TCTD này bao gồm: CB Bank, GP Bank, Eximbank, ACB, ABB, SeaBank, Techcombank, Bac A Bank, SHB, Sacombank, VPBank, HDBank, VietCapitalBank, Nam A Bank, OCB, VIB, Viet A Bank, Vietbank.

Ngoài ra, kiểm toán tại các TCTD và VAMC về công tác xây dựng phương án và tổ chức thực hiện NQ42 đối với các đơn vị được chọn mẫu kiểm tra (VietinBank và BIDV); đối với VAMC đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo Nghị định 61/2017/NĐ-CP;...

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến