Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ 100% ngân hàng phải niêm yết chậm nhất vào 2020 khiến nhiều ngân hàng chưa niêm yết hoặc "lỡ hẹn" niêm yết trong các năm qua đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ niêm yết trong năm 2019. Đây là vấn đề sẽ được nhiều ngân hàng đề cập đến tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.
Niêm yết để hoạt động hiệu quả hơn
Có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất và luôn giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Các ngân hàng đã niêm yết hầu hết kinh doanh thuận lợi và nhiều triển vọng. Từ quy mô lợi nhuận chỉ vài trăm tỷ đồng, nhiều ngân hàng đã đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ngân hàng là lĩnh vực đóng góp lợi nhuận cao nhất thị trường chứng khoán với hơn 68.000 tỷ đồng trong tổng số lợi nhuận 276.200 tỷ đồng của các doanh nghiệp trên sàn năm 2018, tăng 31% so với năm 2017.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu lĩnh vực về lãi ròng, với hơn 14.600 tỷ đồng sau thuế, tăng 61% so với năm 2017. Kế đến là Techcombank với 8.462 tỷ đồng, cao hơn 31% năm trước. Tiếp theo là BIDV với 7.358 tỷ đồng, tăng 8%; VPBank 7.355 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch tập trung sẽ giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ đó nâng cao uy tín của các ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư, việc gọi vốn vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn, nhất là khi thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II đang đến gần.
Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà nhà đầu tư quốc tế, để thu hút vốn.
Khi niêm yết trên sàn, các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên hơn. Qua đó, thị trường, nhà đầu tư và ngay cả người gửi tiền có cơ hội đánh giá đầy đủ và chuẩn xác hơn hiệu quả hoạt động của ngân hàng, từ đó buộc các tổ chức này phải luôn nâng cao uy tín, thương hiệu và kiểm soát chặt chẽ hơn các rủi ro…
Không thể trì hoãn lên sàn
Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức là HOSE và HNX.
Theo thống kê, trong tổng số 34 ngân hàng hiện nay (tính luôn 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng) chỉ mới có 17 ngân hàng niêm yết trên hai sàn chứng khoán và giao dịch trên UPCoM; trong đó có 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE (BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB), 3 ngân hàng niên yết trên HNX (ACB, NVB, SHB) và 4 ngân hàng trên UPCoM (BAB, KLB, LPB, VIB). Như vậy, vẫn còn đến 50% ngân hàng chưa niêm yết.
Trong năm 2018 vừa qua, có khoảng 10 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, tính đến cuối năm mới chỉ có 3 ngân hàng niêm yết thành công trên HOSE là Techcombank, HDBank và TPBank. Đây được đánh giá là 3 ngân hàng "lên sàn" thành công.
Không chỉ lên sàn thành công, đây cũng là 3 ngân hàng có kết quả kinh doanh nằm trong nhóm ấn tượng nhất năm qua, trong đó Techcombank vươn lên vị trí thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank với lợi nhuận 10.700 tỷ, TPBank lợi nhuận tăng gần gấp đôi năm 2017 còn HDBank đạt kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng "lỡ hẹn" với việc đưa cổ phiếu lên sàn trong năm 2018 vừa qua do thị trường không thuận lợi. Cụ thể, trong năm qua, đặc biệt là vào nửa cuối năm, thị trường chứng khoán liên tục đảo chiều, chỉ số VN-Index trượt khỏi ngưỡng 1.000 điểm và tiếp tục để mất mốc 900 điểm đã tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và khiến không ít lãnh đạo các nhà băng chùn tay, chưa dám đưa cổ phiếu của mình lên sàn.
Tuy nhiên, đã đến lúc các ngân hàng không thể trì hoãn được nữa bởi thời gian không còn nhiều và cơ hội "chín muồi" đã đến, khi mà chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019 thị trường đã hồi phục mạnh mẽ, vượt qua mốc 1.000 điểm, 1.010 điểm và đang tiến đến ngưỡng cao hơn; quan trọng hơn, cổ phiếu ngân hàng luôn là nhóm dẫn dắt thị trường.
Cũng chính vì vậy, không ít nhà băng đã gấp rút hoàn tất mục tiêu lên sàn trong năm nay. Đơn cử, Nam A Bank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM, trước khi niêm yết trên sàn HOSE.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết năm nay chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Sau đại hội cổ đông năm nay, ngân hàng sẽ mời đối tác tham gia để tăng vốn. "Hiện Nam Á đã được tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's đánh giá, bên cạnh đó ngân hàng về cơ bản cũng đáp ứng được Thông tư 41 và 13 của Ngân hàng Nhà nước về quản trị rủi ro (Basel II) và sẽ làm đề án xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho áp dụng Basel sớm. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã xử lý các tồn tại trước đó để việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE được thuận lợi", ông Tâm nói.
MSB cũng cho biết sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý 3/2019. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã lên sàn UPCoM như VIB và LPB cũng có kế hoạch chuyển sang sàn giao dịch sang HOSE. Ngoài ra, còn có ABBank, VietBank, MaritimeBank, OCB… cũng đang gấp rút xúc tiến kế hoạch niêm yết trong năm nay.
Cũng cần nói thêm là lộ trình áp dụng Basel II cũng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Như vậy, ngoài việc đáp ứng tiêu chí Basel II, ngân hàng còn có mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính vì thế, áp lực đặt ra cho các ngân hàng năm nay khá nặng nề. Với những ngân hàng đã hoàn tất Basel II sẽ gặp thuận lợi khi niêm yết. Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng Việt Nam mới có 03 đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II là VCB, VIB và OCB.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc chiến lược của Công ty Chứng khoán PSI, năm 2019 là thời điểm khá thuận lợi để các ngân hàng chưa niêm yết hoặc "lỡ hẹn" thực hiện kế hoạch lên sàn. Cũng theo ông Khánh, trong 2 tháng đầu năm, thị trường khá thuận lợi khi dòng tiền lớn đang đi vào thị trường. Xét ở góc độ vĩ mô, cũng có những thông tin tích cực.
Trái ngược với nhiều dự báo thận trọng trước đây về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Việt Nam, lạm phát… GDP đang tăng trưởng tốt, kinh tế Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại…
Về nội tại, kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng đang tốt lên theo hướng phát triển bền vững chứng tỏ hoạt động tái cấu trúc ngân hàng được thực hiện có hiệu quả. Các chính sách của cơ quan quản lý cũng đang hỗ trợ các ngân hàng như việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng là căn cứ cho nhà đầu tư xem xét đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy