Bất ngờ nhất, nhà thiết kế này đã thẳng thắn bày tỏ rằng bản thân thất vọng vì đa số những người đẹp này không có cống hiến chạy theo tư lợi. Thậm chí, trong mắt nhà thiết kế Việt Hùng, một vài cái tên đang được coi là thần tượng của giới trẻ cũng chẳng đạt thành tựu gì đáng kể.
Nhà thiết kế Việt Hùng. Ảnh: TL
Lời “chê” có sức nặng!
Đã vài ngày trôi qua, kể từ khi nhà thiết kế Việt Hùng đưa ra phát ngôn về các cuộc thi, danh hiệu Hoa hậu đồng thời nhận xét trực diện về những Hoa hậu Việt Nam như: Mai Phương Thúy, Đặng Thu Thảo… thế nhưng chưa một Hoa hậu nào lên tiếng đáp trả lại quan điểm của nhà thiết kế này. Chúng tôi có liên hệ một số Hoa hậu Việt Nam từng qua “lò” luyện thi của nhà thiết kế Việt Hùng thì hầu hết đều xin được im lặng. Vậy nhà thiết kế Việt Hùng là ai và tại sao lời chê của anh có sức nặng đến vậy?
Tính đến nay, nhà thiết kế Việt Hùng đã có 17 năm gắn bó với lĩnh vực thời trang và các cuộc thi sắc đẹp. Anh được đánh giá là “ông bầu Hoa hậu” đầu tiên có ý thức xây dựng hình ảnh một Hoa hậu gắn liền với các hoạt động từ thiện, quan hệ mật thiết với giới truyền thông giúp cho vương miện thêm tỏa sáng.
“Ông bầu” được tiếng “khó tính” này cũng là gương mặt nhà thiết kế hiếm hoi “phủ sóng” khắp các cuộc thi sắc đẹp từ Hoa hậu Việt Nam đến Hoa hậu Biển, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam, Hoa hậu Áo dài… Nếu thống kê thì phải đến hơn 100 người đẹp được nhà thiết kế Việt Hùng hỗ trợ đã có ngôi vị. Trong số đó, nổi bật là Hoa hậu Mai Phương Thúy, Đặng Thu Thảo, Hương Giang, siêu mẫu Ngọc Bích…
Lâu nay, nhà thiết kế Việt Hùng vốn kiệm lời, ít khi phát ngôn trực diện về những người đẹp đoạt ngôi vị Hoa hậu nhưng trong lần trả lời phỏng vấn mới nhất trên một trang tin điện tử, anh không ngần ngại “chê” Hoa hậu Đặng Thu Thảo: “Nếu các cô gái trẻ lấy đó là một hình mẫu chuẩn mực thì tôi thấy tiếc. Nếu vậy, hai chữ Hoa hậu sẽ không còn giá trị nữa”.
Nhà thiết kế này nói thêm: “Tôi cũng hướng dẫn Thu Thảo trong quá trình thi Hoa hậu và cũng có quen biết riêng. Nhưng cô ấy cũng giống như nhiều Hoa hậu khác, cuối cùng cũng tìm cho mình một bến đỗ để tận hưởng hạnh phúc riêng. Tôi không thấy cô ấy có hoạt động cộng đồng gì nổi bật”.
Gần như đây là lần đầu tiên có một quan điểm “chê” Hoa hậu Đặng Thu Thảo kể từ sau khi cô đăng quang ngôi vị. Thậm chí, người đẹp này còn được mệnh danh là “Hoa hậu của các Hoa hậu” nhờ lối sống kín kẽ, không vướng scandal… Hiện tại, phía Đặng Thu Thảo vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì về phát ngôn của nhà thiết kế Việt Hùng.
Chúng tôi liên hệ với nhà thiết kế Việt Hùng. Trước câu hỏi: “Thế nào là một hình mẫu chuẩn mực của một Hoa hậu?”, anh trả lời: “Sắc đẹp thôi chưa đủ, mà cô gái đó phải có tính cách ổn định, ôn hòa, biết tiếp thu, mang vẻ đẹp hướng đến cộng đồng”. Nhà thiết kế Việt Hùng cho biết, suốt nhiều năm làm “ông bầu Hoa hậu”, anh không bao giờ nhận một cô gái chỉ mới tốt nghiệp THPT vì bất cứ lý do gì cũng không bao giờ lấy tiền hay chia giải thưởng của Hoa hậu.
“Tôi không cần tiền của họ. Tôi muốn họ được tỏa sáng. Và tôi sẽ có những cách kiếm tiền khác để bù vào những chi phí đó. Sau cuộc thi, có thể tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hoa hậu nếu thấy họ có tố chất muốn được làm việc thiện, dám bỏ những lợi nhuận để mang đến cho xã hội những giá trị cụ thể từ chiếc vương miện”, nhà thiết kế Việt Hùng nói.
Các Hoa hậu có làm tròn trách nhiệm?
Hoa hậu Đặng Thu Thảo.
Thời gian qua, hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp quốc tế như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất... đã khép lại với kết quả hầu hết đại diện Việt Nam đều “trắng tay”. Trong khi đó, những ứng viên tham gia đều được đánh giá là gương mặt hội tụ đủ các yếu tố về ngoại hình, trí tuệ, kỹ năng… Chính vì thế, nguyên nhân dẫn tới thất bại đang tiếp tục được nhiều chuyên gia “mổ xẻ”.
Trao đổi cùng chúng tôi, một số chuyên gia cho rằng, ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế những năm gần đây, tiêu chí không đơn thuần chỉ là một cuộc đua nhan sắc. Theo đó, các gương mặt lọt sâu vào top 10, top 5, top 3 chưa hẳn đã là những cô gái đẹp nhất nhưng chắc chắn họ là ứng viên thông minh, truyền cảm hứng tốt đến cộng đồng. Venezuela – một “cường quốc” sắc đẹp với tỉ lệ ứng viên đoạt ngôi vị cao đứng đầu thế giới – gần đây đã phải ngậm ngùi chứng kiến khoảnh khắc vương miện sắc đẹp được trao cho đại diện quốc gia khác.
Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua, rất nhiều người đẹp lọt top 5 ứng xử đã có phần thuyết trình đầy tính thuyết phục như một chính trị gia lão luyện khiến cả hội trường bùng nổ. Thậm chí, trước đó không một chuyên trang nhan sắc nào có thể dự đoán được kết quả. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi 100% các câu hỏi ứng xử ở những cuộc thi này lại hướng đến hoạt động vì cộng đồng theo hướng “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Đáng tiếc thay, trước và sau những cuộc thi sắc đẹp trong nước, yếu tố này đang không được đề cao. Ở chính các cuộc thi quy mô lớn nhất, các người đẹp Việt lọt top 5 vẫn khiến khán giả cười nghiêng ngả vì ứng xử ngô nghê, thiếu chuẩn mực và nền tảng kiến thức. Sau đăng quang, các Hoa hậu Việt hầu hết đều có chuyến từ thiện vì cộng đồng nhưng chủ yếu vẫn là hoạt động đơn lẻ, không mang lại hiệu ứng xã hội đáng kể và chỉ một thời gian sau đó là “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Trường hợp đáng chú ý nhất bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chính là Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh. Cô từng bị “chê” vì nhan sắc mờ nhạt, không có gì nổi bật lại trở thành chủ nhân vương miện. Thế nhưng, ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2017, cô là một trong 5 thí sinh được trao danh hiệu “Người đẹp nhân ái” với dự án “cõng điện” lên bản Cu Vai (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) mang lại ánh sáng cho người dân, đặc biệt là trẻ em đang tuổi cắp sách đến trường. Tuy không lọt vào top 15 Hoa hậu Thế giới nhưng con đường Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tỏa sáng là một minh chứng cho sự nỗ lực hướng đến cộng đồng với trách nhiệm của một cô gái trẻ mang vương miện sắc đẹp.
Một hội thảo về các cuộc thi sắc đẹp do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua đã để lại câu hỏi: “Hoa hậu làm được gì cho đất nước mà tổ chức các cuộc thi nhiều như vậy?”. Nhà thiết kế Việt Hùng nói: “Làm Hoa hậu là phải biết cống hiến, đền đáp lại niềm tin công chúng đã dành cho họ. Thứ hai là phải biết sống sao cho xứng đáng với hai chữ “Hoa hậu”. Vì không phải cô gái đẹp nào cũng đội trên đầu vương miện. Việt Nam có hơn 90 triệu dân thì chỉ có một vài Hoa hậu mà thôi. Danh xưng Hoa hậu là số ít. Chính lối sống và hành động của các Hoa hậu mới giúp khẳng định độ sáng của chiếc vương miện”.
Theo Gia Đình & Xã Hội
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy