Ồ ạt bán giảm giá
Thị trường bất động sản trầm lắng, giá đất ở nhiều khu vực từng "sốt nóng" trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 đang có xu hướng "hạ nhiệt". Đặc biệt, tính thanh khoản không cao đã khiến không ít chủ đất bán giảm giá từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng một mảnh đất.
Ghi nhận của Dân trí tại Hưng Yên thời điểm này, thị trường bất động sản trầm lắng, không còn cảnh giao dịch đất đai nhộn nhịp như 2 năm trước. Đất nền gần các khu đô thị lớn, tuyến đường quy hoạch đang ghi nhận có sự giảm giá.
Đơn cử, lô đất 50m2 tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang có vị trí tiếp giáp đô thị Ecopark, gần chợ làng hoa và các tiện ích, khu dân cư cao cấp đang được rao bán với giá 1,85 tỷ đồng (37 triệu đồng/m2), giá bán này thấp hơn đợt đầu năm khoảng 600 triệu đồng.
Một lô đất ở huyện Văn Giang đang rao bán cắt lỗ 800 triệu đồng (Ảnh: Hà Phong).
Tương tự, lô đất 83m2 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang có vị trí gần khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 đang rao bán cắt lỗ 800 triệu đồng. Theo người bán, lô đất này nằm cạnh đường 2 ô tô tránh nhau, thuận lợi kinh doanh. Hồi đầu năm lô đất được rao với mức giá 4,3 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện tại do muốn bán nhanh, nên chủ lô đất đã giảm xuống còn 3,5 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ trên, giá đất tại một số khu vực từng được "thổi sóng" theo đường vành đai 4 vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Văn Giang cũng đang được rao bán giảm giá. Đơn cử, tại xã Liên Nghĩa, giá bán đất nền thời điểm "sốt nóng" là khoảng 31 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại rất ít lô đất có vị trí đẹp giữ được giá khoảng 24 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhiều lô đất có diện tích quá lớn, vị trí trong làng chỉ có giá bán 18-20 triệu đồng/m2.
Một lãnh đạo UBND xã Tân Tiến, huyện Văn Giang cho biết, giao dịch chuyển nhượng đất đai thời gian này trên địa bàn xã không nhiều do khó khăn chung của thị trường cộng với nguồn vốn ít mà nhà đầu tư e ngại giá quá cao nên không chốt mua thời điểm này.
Theo anh Trần Việt Hưng - môi giới bán nhà đất trên địa bàn huyện Văn Giang, đất nền tại các khu vực gần khu đô thị lớn, khu vực mới công bố quy hoạch phát triển hạ tầng trong thời gian qua trên địa bàn huyện Văn Giang nói riêng và Hưng Yên nói chung đều tăng giá nhanh. Tuy nhiên, không nằm ngoài khó khăn chung của thị trường, đất khu vực từng tăng giá nhanh thì hiện tại lại đang giảm giá nhiều.
Theo anh Hưng, đa phần lý do chủ đất bán cắt lỗ, giảm giá thời điểm hiện tại là khó khăn về nguồn vốn. Không ít chủ đất đang nợ ngân hàng, cần bán gấp để trả nợ. Một số khác là nhà đầu tư không chuyên, muốn bán để thu hồi vốn, chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.
"Hiện tại, giá bán cắt lỗ ở nhiều nơi vẫn là cao hơn nhiều so với giá đất trước năm 2020 - khi bắt đầu có dịch Covid-19. Giá bán ra hiện tại, chủ yếu căn cứ vào lúc mua vào của chủ đất. Thực tế dù rao bán cắt lỗ, nhưng giá này vẫn chỉ là cắt lãi, xấu nhất là hòa", anh Hưng nói và cho biết, người xem đất vẫn có nhưng người mua thì ít.
Cẩn trọng đầu tư "ăn theo" hạ tầng, quy hoạch
Chia sẻ về việc đầu tư "ăn theo" quy hoạch, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam - cho rằng, những thông tin về quy hoạch, về đầu tư những dự án cơ sở hạ tầng giao thông đã tác động một phần tiêu cực đến thị trường bất động sản nói chung, vì khi nghe được thông tin này, thị trường xuất hiện việc đầu tư, đầu cơ đất.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, không phải cứ mua nhà gần đường là có lời. Phải hình thành khu đô thị, khu dân cư thì mới có câu chuyện giá trị đất, bất động sản được nâng lên.
Đất nền từng tăng giá nhanh ở nhiều nơi, giờ đang phải bán giảm giá (Ảnh: Hà Phong).
Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư cần cân nhắc bài toán đầu tư hợp lý, đặc biệt là trong trường hợp có sử dụng đòn bẩy tài chính. Nếu tốc độ tăng giá bất động sản thấp hơn chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải gồng gánh thì sẽ rất "đau đầu".
Về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết với việc dòng tiền dễ vào thị trường bất động sản khoảng thời gian cuối năm 2021, đầu năm 2022, chưa được kiểm soát tốt đã hướng vào hoạt động đầu cơ, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả phân khúc. Đặc biệt, trong tình hình nguồn cung bị hạn chế vì nhiều lý do đã tiếp tục đẩy mặt bằng giá lên cao.
"Đầu năm thị trường phát triển nóng, sốt đất xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, tại các khu vực có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường, kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại các sàn giao dịch, môi giới bất động sản", ông Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hà, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…, đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.
Tác giả: Hà Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Vinhomes Royal Island Vũ Yên Hải Phòng
- Căn hộ The Matrix MIK Group
- Cập nhật Tin Tức The Manor Nguyễn Xiển
- Dự án Imperia Global Gate MIK Group
- Ecoretreat
- Chi tiết Roxana Plaza Tường Phong Bình Dương
- The 9 stellars
- Nhà phố Izumi City
- Chủ đầu tư Gamuda Land Việt Nam
- Bảng Giá The Global City Masterise Homes
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy