SCIC có đang “ghìm cương” Vinamilk trong thập kỷ qua?
16/10/2015 06:54:20
ANTT.VN - Sau hơn 10 năm tiến hành cổ phần hóa, CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk – VNM) đang là doanh nghiệp ngành sữa có doanh thu, thị phần lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu VNM có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường và luôn là món hời đối với các nhà đầu tư.

Tin liên quan

Giá giao dịch cổ phiếu VNM thường xuyên được giao dịch ở mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, phiên giao dịch hôm qua (14/10), giá cổ phiếu VNM có lúc tăng trần lên 109.000 đồng/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 106.000 đồng/cổ phiếu – tăng 5.000 đồng so với giá tham chiếu.

Sở dĩ có biến động mạnh như vậy  do thị trường phản ứng tích cực với thông tin Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp để thoái hết vốn tại 10 DN lớn trong đó có 541,5 triệu cổ phiếu tại Vinamilk trị giá 2,47 tỷ USD.

Trên thực tế, khoản vốn nhà nước giao cho SCIC nắm giữ tại Vinamilk đã sinh sôi nảy nở khá ấn tượng, tốc độ tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp này ngày càng tăng mạnh nên SCIC không hề có động thái thoái vốn tại đây.

Khi bắt đầu cổ phần hóa, giai đoạn 2004-2005, SCIC nắm giữ 50,1% vốn tại Vinamilk, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 34%, tăng trưởng lợi nhuận đạt 17%.

Giai đoạn 2006-2009, tỷ lệ nắm giữ của SCIC giảm xuống 47,64% nhưng vẫn nắm vai trò quyết định chủ yếu, tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt 26-29%.

Giai đoạn bùng nổ của Vinamilk bắt đầu khi SCIC quyết định giảm tỷ lệ sở hữu từ 47,54% năm 2009 xuống còn 47,3% năm 2010 và chỉ còn 45,05% bắt đầu từ năm 2011 đến nay tạo điều kiện cho cổ đông ngoại bắt đầu lấn sâu hơn và chiếm tỷ lệ 49% vốn.

Doanh thu năm 2010 tăng 49% lên mức 16.081 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 52%, đạt 3,616 tỷ đồng.

Năm 2014, tổng doanh thu của Vinamilk đã đạt 34.977 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu khoảng 22% mỗi năm, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2004.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của Vinamilk vừa qua, các vấn đề về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, kế hoạch… đều không phải là vấn đề nóng. Trên bề mặt dường như mọi động thái đều yên ả, nhưng bên dưới là những “đợt sóng ngầm” giành quyền kiểm soát công ty sữa lớn nhất nước giữa cổ đông tổ chức là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với ban lãnh đạo, hội đồng quản trị (HĐQT) Vinamilk - những người chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, quyền lợi của các cổ đông còn lại.

Các đề xuất của SCIC thêm một thành viên độc lập vào HĐQT, trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại công ty, sửa đổi điều lệ công ty đã bị ĐHĐCĐ phủ quyết vì chỉ có 59,65% cổ đông biểu quyết (nhỏ hon tỷ lệ quy định là 65%).

Bà Mai Kiều Liên sẽ không tiếp tục đại diện vốn của SCIC như vai trò bà đảm nhận hàng chục năm nay mà chỉ đại diện cho nhóm cổ đông, vì theo quy định đã tới tuổi nghỉ hưu.

Thay vào đó, từ cuối tháng 7/2015, bà Lê Thị Băng Tâm được HĐQT Vinamilk bầu làm chủ tịch HĐQT công ty, bà Mai Kiều Liên chỉ còn đảm đương vị trí Tổng giám đốc mà không kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT như trước.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 phủ quyết đề xuất cử thêm người vào HĐQT Vinamilk của SCIC

Hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp phụ thuộc không nhỏ vào ban lãnh đạo. Giới đầu tư nhìn thấy Vinamilk dưới sự lãnh đạo của ban tổng giám đốc đã phát triển nhanh, bền vững trong suốt gần một thập kỷ qua.

Với vị trí là cổ đông lớn nhất, SCIC chỉ có được mà không mất khi nhìn lại 10 năm sau cổ phần hóa, không thể phủ nhận những đóng góp của Vinamilk đối với ngân sách nhà nước thời gian qua.

Vinamlik được coi như một cô bò sữa tốt và cho sữa đều. Khoản lợi tức mà doanh nghiệp ngành sữa này “bơm” về cho ngân sách nhà nước mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của Vinamilk, số tiền mà công ty trả cổ tức cho SCIC hai năm gần đây nhất là 1.803 tỷ trong năm 2013 và 1.653 tỷ đồng trong năm 2014 - tương ứng 30% tổng lợi nhuận của SCIC năm qua.

Được biết, trong 10 năm qua, SCIC đã thu được 21.000 tỷ cổ tức thuộc phần vốn Nhà nước ở 1.000 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, trong đó riêng Vinamilk đóng góp gần 9.000 tỷ - chiếm tỷ lệ gần 43% tổng cổ tức mà SCIC nhận được.

Giá trị vốn hóa thị trường của SCIC đến ngày 2/10/2015 đạt được khoảng 73.000 tỷ đồng, trong đó riêng Vinamilk đã chiếm hơn 54.000 tỷ đồng – tương ứng 74% tổng giá trị.

Về điều hành, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 mới có hiệu lực thì người đại diện vốn nhà nước phải báo cáo, xin ý kiến đại diện chủ sở hữu hầu hết các vấn đề từ việc tham gia ý kiến, phát biểu, biểu quyết tại Đại hội cổ đông, Họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Cụ thể ở Vinamilk, mọi quyết sách, kế hoạch kinh doanh đều phải báo cáo và chờ phê duyệt của SCIC trong khi vốn của SCIC hiện tại là 45,05%, vốn của cổ đông ngoại là 49%. Chỉ cần 2-3 cổ đông ngoại “gật” hoặc “lắc” thì vấn đề có thể được quyết định.

SCIC được giao quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực chất chỉ với tư cách nhà đầu tư không trực tiếp điều hành mà vẫn hưởng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi quyết sách chiến lược phát triển khi đưa lên SCIC lại tiếp tục phải chờ xem xét mới quyết định đồng ý hay không.

PGS.TS Phạm Quý Thọ (chuyên gia Chính sách công) cho rằng, quy trình thủ tục như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp, có thể giảm khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, nhất là khi cách làm việc vẫn theo lối mòn như hiện nay.

Về kế hoạch thoái 541 triệu cổ phiếu VNM hiện đang thuộc sở hữu của SCIC cần lộ trình thích hợp và tính toán kỹ lưỡng. Với thị giá hiện tại, nhà đầu tư nào có thể thế chân SCIC cũng là một nước đi cần tính đến vì yêu cầu tiềm lực tài chính đủ mạnh, chi ra 2,5-3 tỷ USD không phải là vấn đề đơn giản. Thậm chí, nếu được bán đấu giá công khai và minh bạch thì giá trị nhà nước thu về có thể cao hơn giá thị trường hiện nay.

Tại diễn đàn M&A hồi tháng 8/2015, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nhận định về quá trình thoái vốn nhà nước tại Vinamilk thì vấn đề quan tâm trước tiên là cổ phần đó được định giá bao nhiêu và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau khi bán thế nào chứ không còn là chuyện tối đa hóa tiền thu về như trước.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến