Dòng sự kiện:
SCIC đang có gần 26.000 tỷ gửi ngân hàng
07/06/2019 10:01:20
Năm 2018, SCIC ghi nhận lợi nhuận đạt gần 9.340 tỷ nhờ đẩy mạnh thoái vốn nhà nước. Đáng chú ý, 'siêu doanh nghiệp' này còn gửi ngân hàng tới trên 26.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng sau một năm.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 với tổng doanh thu 12.705 tỷ đồng, tăng tới 72% so với năm 2017.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của SCIC là doanh thu từ bán các khoản đầu tư với 7.797 tỷ đồng (tương đương 61% tổng doanh thu), gấp 8 lần con số năm 2017. Kế đến là doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia với 3.338 tỷ đồng (tương đương 26% tổng doanh thu), giảm 34%. Tiếp sau là doanh thu lãi tiền gửi và lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu với 1.559 tỷ đồng (tương đương 12% tổng doanh thu), tăng 14%.

Sau khi trừ đi chi phí hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn, lợi nhuận gộp năm 2018 của SCIC đạt 9.788 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017.

Trong năm, SCIC ghi nhận 327 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 35%; trong khi chi phí tài chính không đáng kể.

Lãi trước thuế năm 2018 của SCIC tăng gấp rưỡi lên 10.500 tỷ, gửi ngân hàng 26.000 tỷ đồng

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 10.565 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2017.

Đáng chú ý, SCIC hiện đang gửi ngân hàng tới trên 26.000 tỷ đồng với kỳ hạn quá 1 năm, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng sau một năm. Đây cũng là khoản mục tài sản lớn nhất của "siêu doanh nghiệp" này. Kế đến là các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 16.781 tỷ đồng, hầu hết là được tiếp nhận, bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu từ Nhà nước.

Trong năm 2018, SCIC đã tăng vốn từ 21.900 tỷ lên 26.042 tỷ , vốn chủ sở hữu đạt gần 47.200 tỷ, SCIC đang giữ gần 20.000 tỷ tại quỹ đầu tư phát triển, tăng gần 2.500 tỷ so với năm trước. Tổng tài sản của SCIC tại thời điểm cuối năm 2018 đạt hơn 50.081 tỷ, giảm gần 11.000 tỷ so với đầu năm do trong năm SCIC đã chuyển quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về Bộ Tài chính (khoản quỹ phải trả giảm 19.000 tỷ).

SCIC đang nắm giữ 31.631 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, giảm 12.000 tỷ so với năm trước. Trong đó, khoản đầu tư 16.954 tỷ của quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã được chuyển giao về bộ tài chính.

Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của SCIC

Về các khoản đầu tư ngắn hạn của SCIC, gần 26.000 tỷ đang gửi ngân hàng, hơn 4.130 tỷ đầu tư vào các công ty chưa niêm yết, 1.272 tỷ đầu tư cổ phiếu niêm yết, 500 tỷ đầu tư trái phiếu.

Về các khoản đầu tư dài hạn, SCIC đầu tư gần 17.000 tỷ, tăng hơn 3.400 tỷ so với đầu năm. Trong đó đầu tư trái phiếu 5.180 tỷ (870 tỷ), danh mục cổ phiếu gần 11.760 tỷ trong đó 5.580 tỷ tại các công ty đã niêm yết và 6.182 tỷ tại các công ty chưa niêm yết.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 6 bộ và 16 địa phương chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng để SCIC triển khai bán phần vốn nhà nước tại các đơn vị này. Tuy nhiên tốc độ chuyển giao vẫn còn chậm.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến