Dòng sự kiện:
Yêu cầu Bộ GTVT báo cáo về khoản lỗ hơn 4.000 tỷ đồng của Jetstar Pacific
04/06/2019 17:28:22
Tháng 2/2012, Jetstar Pacific chuyển từ SCIC sang VNA, từ khi chuyển sang thì công ty này lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch mà VNA xây dựng ở Jetstar Pacific thì đến năm 2020 giảm lỗ và không lỗ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chuyển gửi Bộ GTVT xem xét, xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý thông tin về Hãng hàng không Jetstar Pacific.

Theo đó, thời gian qua, dư luận đặt nhiều câu hỏi liên quan đến khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng của Hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) chưa được làm rõ cũng như công tác cán bộ tại đơn vị này.

Theo đó, thời gian qua, dư luận đặt nhiều câu hỏi liên quan đến khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng của Hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) chưa được làm rõ cũng như công tác cán bộ tại đơn vị này.

Jetstar Pacific được thành lập từ năm 1991, kể từ khi được thành lập Jetstar Pacific luôn trong tình trạng làm ăn khó khăn, giai đoạn 2008-2012 là liên doanh, phía Australia chiếm 30% và phía Việt Nam chiếm 70% cổ phần.

Năm 2012, Jetstar Pacific được Chính phủ giao về Vietnam Airlines và từ 2013 các khoản lỗ đã giảm dần. Tại thời điểm bàn giao Jetstar Pacific lỗ ròng 2.400 tỷ đồng và sau khi bàn giao cho Vietnam Airlines, đến 2014 đã lãi được 8 tỷ đồng và năm 2015 lãi 112 tỷ đồng.

Tiếp đó, năm 2016 Jetstar Pacific lỗ 901 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ là do thị trường liên quan đến khách du lịch. Tới năm 2017, Jetstar Pacific  lỗ 304 tỷ  đồng và năm 2018 lãi 34 tỷ đồng. Như vậy tổng lỗ là 2.400 tỷ, cộng với 1.300 tỷ giai đoạn 2016 - 2017 thì là 4.400 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông ngày 10/5 của Vietnam Airlines, trả lời câu hỏi của các cổ đông về khoản lỗ của Jetstar Pacific ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc cho biết, việc tái cơ cấu Jetstar Pacific là quá trình rất gian nan.

Cuối năm 2011, Jetstar Pacific đứng ngấp nghé bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, lỗ lũy kế lên tới trên 2.400 tỷ đồng.

Để vực dậy hãng hàng không này, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific, khi đó do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn chủ sở hữu.

Sau khi chuyển về Vietnam Airlines, thông qua các đợt tăng vốn điều lệ cho JPA theo thỏa thuận với cổ đông nước ngoài Qantas (Úc), Vietnam Airlines đã từng bước thực hiện tái cơ cấu toàn diện hãng hàng không này.

Trong đó có việc trẻ hóa đội bay thông qua việc trả trước hạn toàn bộ máy bay 5 chiếc B737-400 cũ đang khai thác để thay thế sang A320 đem lại hiệu suất cao hơn.

Nhân sự của Jetstar Pacific cũng được cấu trúc lại để giảm chi phí. Chiến lược phát triển thương hiệu kép VNA-JPA được áp dụng.Những bước đi chiến lược này giúp JPA từng bước giảm lỗ, hoạt động có lãi nhẹ.

Tính đến cuối năm 2018, quy mô JPA đã được mở rộng hơn với đội bay gồm 15 chiếc A320 (có 150-180 ghế), tuổi trung bình 5,05 tuổi. Đáng nói, lỗ lũy kế của Jestar Pacific hiện tại đã được xử lý hết qua các năm kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Jetstar Pacific từ tháng 2/2012 chuyển từ SCIC sang VNA, từ khi chuyển sang thì công ty này lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh mà VNA xây dựng ở Jetstar Pacific thì đến năm 2020 giảm lỗ và không lỗ.

"Trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm đối với việc lỗ này, chúng tôi sẽ đề nghị VNA báo cáo cụ thể rõ hơn. Cái này hằng năm có tính toán và có báo cáo tài chính. Nguyên nhân không phải do VNA sinh ra Jetstar Pacific mà để lỗ như thế. Hiện nay theo dõi các năm 2017, 2018 vừa rồi thì giảm lỗ rất nhiều. VNA đang cố gắng đến ngoài 2020 thì đơn vị này không lỗ nữa. Còn trách nhiệm cá nhân cụ thể như thế nào, chúng tôi sẽ yêu cầu VNA có báo cáo cụ thể hơn", ông Nhật nói.

Cũng liên quan đến lĩnh vực hàng không, báo giới đã chất vấn lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin cho rằng, Vietnam Airlines tố cáo hãng hàng không Bamboo Airways tranh giành phi công. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, vừa rồi, Bộ đã nhận được báo cáo của Vietnam Airlines về tình trạng các phi công của Vietnam Airlines chuyển sang làm việc cho Bamboo.

"Hiện nay, chúng tôi đang cho kiểm tra vấn đề này để xem tình trạng di chuyển việc làm của các phi công này có sai quy định hay không. Nhưng thực chất đây là một quy luật của cơ chế thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu. Tuy nhiên, Bộ đang kiểm tra vấn đề này và sẽ sớm có kết quả", ông Nhật nói.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến