Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia đang ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN
Do đó, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Đồng thời, việc ban hành Luật để khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay; tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban tán thành về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng dự thảo Luật nhằm tập trung phạm vi điều chỉnh thông qua quy định về các biện pháp “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại”.
Cụ thể bao gồm quy định về các biện pháp: Giảm mức tiêu thụ; quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm đối với công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội, những lợi ích từ ngành công nghiệp rượu, bia đóng góp cho nền kinh tế là không thể phủ nhận, song cần nhìn tổng thể về những tác hại, mặt trái của việc sử dụng rượu, bia đang hiện hữu trong xã hội, đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo và khuyến cáo vì mục tiêu lâu dài về sức khỏe con người, cần thiết phải đưa ra quy định liên quan đến kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm hạn chế tính sẵn có, tính có sẵn và dễ tiếp cận của rượu, bia.
Ngoài việc tập trung thảo luận các vấn đề nêu trên, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều nội dung khác như: vấn đề hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với bia và rượu; các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công... Ngoài ra, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại một số quy định như: Không được bán rượu trên mạng internet; không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18...
Sẽ quản lý rượu thủ công như rượu công nghiệp
Dự thảo Luật đã dành riêng một điều (Điều 16) để quy định về quản lý rượu thủ công, theo đó quy định lộ trình đến 1/1/2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp.
Trao đổi về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng vấn đề rượu thủ công là một tồn tại lớn trong xã hội nhiều năm qua do đó dự án Luật cần thiết kế các quy định để chiều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể, mạnh mẽ, chặt chẽ để sớm chấm dứt tình trạng rượu thủ công tràn lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Về vấn đề này, Ủy ban Các vấn đề xã hội nhận thấy, rượu thủ công (loại rượu do các hộ gia đình tự nấu), loại rượu gắn bó với tập tục của người Việt Nam, sản lượng và mức tiêu thụ khá lớn, dự kiến sẽ có nhiều ý kiến tranh luận nên rất cần sự đồng thuận và phải có lộ trình thực hiện.
Ủy ban nhất trí cần phải quản lý chặt chẽ rượu thủ công thông qua việc quy định biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công; tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất rượu để kinh doanh và định hướng giảm dần tốc độ gia tăng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhưng phải đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa về thủ tục hành chính nhằm đạt được mục tiêu sản lượng rượu được kiểm soát, rượu có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe của rượu thủ công chưa rõ nguồn gốc xuất xứ; qua đó Nhà nước lại thu được thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi
Về đối tượng không được bán rượu, bia, Dự thảo Luật quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.
Ủy ban Các vấn đề xã hội thống nhất quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, nhưng để đảm bảo tính khả thi, đề nghị bổ sung quy đinh về biện pháp thực hiện; quy định về giới hạn độ tuổi của người là nhân viên bán rượu, bia tại cửa hàng có kinh doanh rượu, bia.
Về các trường hợp không được uống rượu, bia, Điều 9 dự thảo Luật quy định các trường hợp không được sử dụng, rượu, bia, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc, nghỉ giữa ca và không được uống tại địa điểm cấm bán rượu, bia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật có nêu thêm các trường hợp không bán rượu cho người có biểu hiện say rượu, bia; phụ nữ có thai; người đang điều khiển phương tiện giao thông nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật. Từ đó, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung các đối tượng này, đồng thời dự thảo Luật cần bổ sung các giải pháp cụ thể, phù hợp để đảm bảo tính khả thi.
Cần kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu, bia
Về quy định kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia, nhiều đại biểu nhất trí với dự án Luật quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu bia để hạn chế khả năng tiếp cận rượu, bia.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến khác cho rằng, việc dự án Luật kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia sẽ ảnh hưởng đến việc đóng góp cho ngân sách nhà nước từ hoạt động quảng cáo, đến quyền được tiếp cận thông tin về rượu, bia cũng như hạn chế nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao vốn đang được các doanh nghiệp rượu, bia tài trợ. Quy định kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia cũng cần phù hợp với các Luật Quảng cáo, Luật Thương mại.
Về vấn đề này, Ủy ban Các vấn đề xã hội nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng “mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tài trợ bằng vật phẩm rượu, bia; có tên hình ảnh, sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ” thay vì chỉ quy định kiểm soát đối với các chủ thể hoạt động kinh doanh rượu, bia tại Điều 14 dự thảo Luật.
"Tuy sẽ có phần nào tác động đến ngân sách nhà nước và việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhưng đứng về góc độ sức khỏe và những chi phí phải bỏ ra từ ngân sách nhà nước và người dân cho việc điều trị bệnh có liên quan đến rượu, bia thì việc quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết nhằm làm giảm những tác động, ảnh hưởng của quảng cáo đến tiêu dùng rượu, bia, đặc biệt là giới trẻ, thực hiện dự phòng từ xa các tác hại của rượu bia" - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Đối với quy định không được bán rượu, bia trên internet, hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định của dự án Luật và đề nghị bổ sung mặt hàng bia vào danh mục cấm bán trên internet nhằm làm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu bia. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc việc không hạn chế bán rượu, bia trên internet để tạo điều kiện cho người mua, người bán và phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, để thống nhất với các quy định khác của dự án Luật về “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia và để có thể kiểm soát được độ tuổi của người mua (rất khó có thể quản lý qua internet), việc Ban soạn thảo luật hóa quy định về cấm bán rượu qua internet của Nghị định 105/2017/NĐ-CP là cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung mặt hàng bia vào đối tượng không được bán trên internet, đồng thời nghiên cứu thêm những hình thức bán hàng tương tự như bán hàng qua điện thoại mạng xã hội...
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy