Dòng sự kiện:
Sẽ khó trốn trách nhiệm nếu làm chậm cổ phần hóa
26/08/2019 15:16:17
Hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào làm chậm cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) bị xử lý trong thời gian qua dù nội dung này đã được nêu ở một số văn bản.

Nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được trình lên Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên

Năng lực kém nên sợ mất chỗ?

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại DN đã được trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn tới cần sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp quản lý, tập đoàn, tổng công ty và địa phương. “Không chỉ lãnh đạo các DN và đại diện chủ sở hữu nhà nước của DN phải quyết tâm thực hiện, mà UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cần sớm phê duyệt phương án sử dụng đất để các DN có cơ sở thực hiện nhanh, nghiêm túc”, ông Long nói.

Trước ý kiến cho rằng nhiều người “sợ mất chỗ” nên không dám quyết liệt cổ phần hóa, ông Long nhìn nhận, tâm lý này cũng dễ hiểu, bởi nhiều người dành cả một đời phấn đấu vì tổ chức, vì DN, nên có chính sách cụ thể, rõ ràng để khuyến khích họ nỗ lực thực hiện.

Bình luận về điều này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói: “Thật đáng ngạc nhiên với việc sợ mất chỗ và mất quyền lợi. Cổ phần hóa là chủ trương đã xuyên suốt từ năm 1992 đến nay với những thành tựu đáng ghi nhận. Do đó, chuyện sợ mất chỗ sau cổ phần hóa có thể chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ những người có năng lực hạn chế, họ e ngại sau cổ phần hóa sẽ không được bầu trở lại vị trí đương nhiệm”.

Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính cho biết, các chỉ thị và chỉ đạo của Chính phủ đều nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không dám quyết với băn khoăn nhiều nhất ở khâu xác định giá trị DN.

Theo ông Tiến, phần việc xác định giá trị DN được giao cho đơn vị tư vấn thực hiện, nhưng cơ quan đại diện chủ sở hữu phải quyết định giá khởi điểm làm cơ sở để đấu giá cổ phần lần đầu. Sau khi có mức giá bán đấu giá thành công mới xác định giá trị thực tế của DN.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đơn vị tư vấn đã xác định giá khởi điểm để đấu giá cổ phần DN nhưng đại diện chủ sở hữu nhà nước lại chần chừ không dám quyết bởi e ngại giá quá cao thì không bán được, mà giá thấp lại sợ chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm rõ hơn các quy định về trách nhiệm trong việc xác định giá trị DN, cần thiết thì sẽ sửa quy định để người ra quyết định biết là đang làm việc đúng pháp luật và an toàn”, ông Tiến nhấn mạnh. 

Sẽ xử lý thích đáng

Bàn về các giải pháp để người có quyền quyết định buộc phải thực hiện việc cổ phần hóa, ông Phạm Đức Trung cho rằng, cần có chế tài mạnh và rõ ràng trong văn bản cụ thể về cổ phần hóa. Thực tế, trong giai đoạn 2011 - 2015, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải thay thế, cách chức cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa. Giai đoạn 2016 - 2020, nhiều chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ yêu cầu xác định trách nhiệm và có chế tài mạnh, xử lý nghiêm các hành vi cản trở hoặc làm chậm tiến trình cổ phần hóa.

“Dù có các chỉ thị và yêu cầu như vậy, nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý. Các nội dung về quy trách nhiệm vẫn rải rác trong nhiều văn bản quy định về công chức, viên chức hoặc quy định về trách nhiệm lãnh đạo DN khi để DN hoạt động thua lỗ, không hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, chưa có quy định về ai có thẩm quyền xử lý cá nhân không hoàn thành việc cổ phần hóa, hình thức xử lý. Điều này cần quy định cụ thể trong văn bản về cổ phần hóa”, ông Trung nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hồng Long nêu quan điểm: “Đúng là chưa có quy định trong các văn bản cụ thể. Tuy nhiên, người đứng đầu các DN và các cơ quan, tổ chức vẫn bị xem xét trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là công chức, viên chức, Đảng viên. Tôi nghĩ là việc thực hiện các chỉ thị của lãnh đạo Chính phủ sẽ buộc các cá nhân, tổ chức phải đẩy nhanh cổ phần hóa. Cuối giai đoạn này (2016 - 2020), các bên liên quan sẽ có đánh giá và có hình thức kỷ luật thích đáng với hành vi làm chậm cổ phần hóa và thoái vốn”.

Theo báo Đấu thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến