Dòng sự kiện:
Thủ tướng phê duyệt cổ phần hóa 18 doanh nghiệp, nửa năm mới làm được 1
06/08/2019 12:55:15
Tính đến hết Quý II/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là con số được Bộ Tài chính công bố tại họp báo chuyên đề về kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm, diễn ra chiều ngày 5/8.

Thông tin tại họp báo chuyên đề, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2019 có 18 doanh nghiệp cần cổ phần hóa (CPH).

Tính đến hết quý 2/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thông tin về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2019.

Về tình hình thoái vốn, theo quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết quý 2/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng.Lũy kế đến hết quý 2/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục phải CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Như vậy, tiến độ CPH các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải CPH là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Trong đó, Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý 2/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Đối với thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngoài quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý 2/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Đối với tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết Quý II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng.

Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex), thu về 2.002 tỷ đồng. Còn SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình CPH, thoái vốn DNNN, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết hoạt động này trong 6 tháng đầu năm và kể cả đến hết tháng 7 vẫn triển khai rất chậm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ chế, chính sách đã được Bộ Tài chính hoàn thiện, những vấn đề cần sửa đổi cũng đã được hoàn tất rà soát, lấy ý kiến địa phương để xây dựng dự thảo sửa đổi. Nhiều vướng mắc đặc thù của các đơn vị, địa phương đã được làm việc trực tiếp để tìm giải pháp tháo gỡ, đề xuất lên Chính phủ các giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện CPH, thoái vốn ở các bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn "nhỏ giọt", thiếu sự quyết liệt mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. 

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, mặc dù tiến độ CPH thời gian qua chậm song chất lượng đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn được tiến hành đều đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến đất đai.

Con số kết quả thu về cho NSNN sau thoái vốn đã chứng minh điều này khi giá trị thu về vượt hơn nhiều giá trị sổ sách. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. 

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến