Tin liên quan
Có những nội dung lớn trong Chỉ thị 02 đã thực hiện những năm gần đây, từng có phản ứng trái chiều trong hệ thống. Và có những định hướng mới, yêu cầu mới dự kiến sẽ tạo sức nặng ảnh hưởng.
“Canh kho” lợi nhuận
Thống đốc nêu rõ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ thị: “Kiểm soát việc phân phối lợi nhuận của các tổ chức tín dụng”.
Cơ chế trên từng thu hút sự chú ý của thị trường vào đầu năm 2012, như một biện pháp hành chính, rắn và từng có phản ứng trong hệ thống khi xem đây là sự can thiệp quá sâu vào hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, từ đầu 2012, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp can thiệp việc phân phối lợi nhuận của các ngân hàng thương mại qua xét duyệt chính sách cổ tức từng thành viên. Hàng năm, mỗi nhà băng chỉ được cơ quan này cho chi trả một tỷ lệ cổ tức nhất định, hoặc có thể bị chặn không được chi trả.
Từ đó đến nay, cơ chế “canh kho” này được áp dụng chặt chẽ, nhiều nhà băng có lãi những không được chia cổ tức, hoặc chỉ được chia với tỷ lệ rất thấp từ 3-4%...
Chặt hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng giám sát cả cơ chế tăng lương, thưởng cho lãnh đạo, cán bộ quản lý của các ngân hàng thương mại hàng năm.
Dù có những phản ánh và quan ngại về sự can thiệp quá sâu vào “tài chính nội bộ” của các thành viên, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn nhất quán thực hiện cơ chế trên, thậm chí chặt chẽ hơn trong năm 2017, vì lý do cần cho an toàn hệ thống.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng giải thích, trước đây, hầu hết các ngân hàng thương mại cứ có lãi là chia hết, trong khi trích lập dự phòng không đầy đủ, nợ xấu vẫn còn che giấu, lẩn khuất hoặc chưa được nhận diện đầy đủ, dẫn tới rủi ro tích tụ trong khi tấm đệm dự phòng thiếu nguồn bồi đắp tương xứng. Theo đó, nhà quản lý phải giám sát chặt việc chia lãi, với điều kiện chỉ được chia sau khi đã đảm bảo gia cố các chỉ tiêu an toàn.
Năm 2017, cơ chế và quan điểm trên tiếp tục được Thống đốc nhấn mạnh và diễn giải chặt chẽ hơn nữa: “Kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, tổ chức tín dụng không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật”.
Sự kiên quyết đó gắn ở các chế tài: với những tổ chức tín dụng trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy rút tiền tự động, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, thành viên góp vốn và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cùng đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2017.
Những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn, chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, hiệu quả kinh doanh thấp phải kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm các chi phí quản lý, chi phí hoạt động; không thực hiện tăng tiền lương, thưởng, thù lao, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; giảm hoặc không tạm ứng, không chia cổ tức, lợi nhuận cho cổ đông, thành viên góp vốn.
Có thể bắt buộc tăng vốn
Như cơ chế trên, năm 2017 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng thành viên. Cơ chế này cũng từng có quan ngại trước đây, về can thiệp mạnh và gây ngột ngạt trong điều kiện kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, một lần nữa nhà điều hành lý giải việc giao chỉ tiêu này nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro của mỗi thành viên, hạn chế tình trạng tăng trưởng tín dụng “tự phát”, mạnh ai nấy tăng trước đây.
Đáng chú ý, cũng như đề cập trong Chỉ thị số 01, tại Chỉ thị 02, Thống đốc tiếp tục nêu định hướng sẽ đặt ra yêu cầu nâng cao các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, nâng cao năng lực tài chính để chuẩn bị cho những chuẩn mới.
Hiện chưa có định hướng cụ thể, nhưng có thể dự tính các giới hạn trong cho vay, hệ số an toàn vốn, hệ số rủi ro tín dụng… sẽ được xem xét điều chỉnh theo mục tiêu trên.
Trong chỉ thị cũng nêu một hướng mở, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ, và trong trường hợp cần thiết sẽ bắt buộc tăng vốn đề nâng cao năng lực tài chính và mức độ an toàn hoạt động. Yêu cầu tăng vốn này cũng được nêu rõ ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước năm nay.
Những cơ chế và yêu cầu trên được xem là góp phần tạo nền tảng cho quá trình tái cơ cấu hệ thống. Còn cụ thể, Chỉ thị 02 cũng đặt yêu cầu và tình huống cho các trường hợp không triển khai được tái cơ cấu, hoặc tái cơ cấu không hiệu quả.
“Tổ chức tín dụng không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại được phê duyệt sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp can thiệp xử lý của Nhà nước thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và bằng một số biện pháp khác phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống”, Chỉ thị 02 nêu rõ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tới đây sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại; xây dựng và triển khai tiêu chí cấp phép mới đối với một số loại hình tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và các cam kết quốc tế.
Nên đọc
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy