Dòng sự kiện:
Sẽ tuyển dụng đặc cách cô giáo không tay giàu nghị lực ở Thanh Hóa
09/06/2023 17:46:31
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, sẽ đặc cách tuyển dụng cô giáo không tay Lê Thị Thắm vào trường Tiểu học hoặc THCS huyện Đông Sơn.

Sáng 9/6, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" (11/6/1948 – 11/6/2023); sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ, nhiều đại biểu không khỏi xúc động trước bài phát biểu tham luận của cô giáo Lê Thị Thắm (SN 1998, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), hiện là giáo viên tự do, mở lớp dạy học tiếng Anh tại nhà cho các em nhỏ cấp tiểu học và THCS.

Cô giáo Lê Thị Thắm đọc tham luận tại hội nghị

Thắm là một cô gái không may mắn, khi mới sinh ra em chỉ nặng hơn 1kg và không có hai tay. Đến nay, đã 25 tuổi, Thắm chỉ cao 1,4m, nặng 27kg.

“Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”, những tưởng mọi ước mơ, hy vọng sẽ khép lại với em, nhưng với nghị lực phi thường, cô bé đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp tiếp ước mơ của mình.

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải luôn hướng về phía trước. Lối đi ngay dưới chân mình”, Thắm luôn tâm niệm.

Cô không thể nào quên, hồi lên 4 tuổi, được mẹ đưa đến trường mầm non. Trong tâm tư, người mẹ chỉ muốn con có nơi giữ trẻ để mẹ đi làm kiếm tiền nuôi con, chứ không phải mang con đến trường để học. Khi các bạn trong lớp được cô tập viết, Thắm chỉ được phát một tờ giấy trắng và cây bút chì để chơi. Thấy các bạn kẹp bút vào giữa 2 ngón tay, em bắt chước làm theo. Vì không có tay nên em phải kẹp bút vào giữa hai ngón chân trái tập viết.

Được đọc câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Thắm như tìm thấy kim chỉ nam cho cuộc đời mình, thầy Ký là tấm gương cho em noi theo để phấn đấu rèn luyện, vượt lên nghịch lên.

Hình ảnh của Thắm trên giảng đường khi còn đi học

Cũng như thầy, Thắm không có hai tay nên phải tập viết chữ bằng chân. Luyện chữ, dù chân tước da, chảy máu, cô vẫn không từ bỏ ước mơ được đến trường.

“Thấy các bạn kẹp bút vào tay, cháu cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. Vì chân phải của cháu ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn, những ngón chân của cháu nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến cháu rất đau và đêm về không thể ngủ được”, Thắm kể lại.

Thắm cho biết, dù khó khăn vất vả càng làm cho cô gái trẻ này quyết tâm hơn, dù ở trên lớp hay ở nhà, Thắm đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Và ông trời không phụ công sức của Thắm khi lên 5 tuổi, Thắm không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái. Lên 6 tuổi, Thắm được mẹ đưa vào lớp 1 trường làng như bao bạn trẻ xung quanh.

Cứ như vậy, với sự trợ giúp của gia đình, công lao của mẹ, của thầy cô, như bao học sinh bình thường khác, Thắm đã hoàn thành việc học của 12 năm học và tiếp tục phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình - ước mơ được ngồi học ở giảng đường đại học.

Năm 2016, Thắm - một thí sinh “đặc biệt” cũng tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Em may mắn được thầy Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức - đặc cách vào khoa Sư phạm tiếng Anh, hệ đại học, đúng như ước mơ của em. Dù được nhà trường đặc cách nhưng cô bé vẫn đăng ký dự thi như các bạn vàđã trúng tuyển vào trường Đại học Hồng Đức.

Cũng trong bài tham luận, Thắm cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, Thắm đã về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, bổ trợ tiếng Anh cho các em gần nhà.

Thời gian đầu, cô gái nghị lực này đã mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng, sau này một số phụ huynh gửi con học thêm, nâng cao kiến thức nên quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy.

Thế nhưng, ước mơ lớn nhất của Thắm là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp và được cống hiến trong một môi trường giáo dục.

Kết thúc bài tham luận, cô gái trẻ hứa sẽ luôn hoàn thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, sẽ tận tâm tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội, dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng sẽ tự tin sẽ nỗ lực.

“Vì cháu nghĩ rằng, trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước”, Thắm nói.

Trước nghị lực phi thường của cô gái trẻ kém may mắn, ngay trong buổi lễ , Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tuyên bố, sẽ tuyển dụng đặc cách cô giáo Thắm vào Trường Tiểu học hoặc THCS (xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên, huyện Đông Sơn).

Thường trực Tỉnh uỷ cũng giao nhiệm vụ cho ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn phối hợp với Sở Nội vụ để thực hiện việc tuyển dụng và bố trí công tác cho cô giáo Thắm ngay trong năm học mới (2023-2024).

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến