Sếp lớn chứng khoán vang bóng một thời dính vòng lao lý
23/03/2015 07:50:46
ANTT.VN – Giữ vai trò quan trọng tại các công ty chứng khoán, không ít người bàng hoàng khi các sếp lớn hàng "khủng" liên tiếp sa lưới cơ quan công an.

Tin liên quan

Nguyên tổng giám đốc LVS bị tố repo vượt thẩm quyền

Tháng 5 năm 2012, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hoàng Xuân Quyến - nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS). Ông Quyến từng giữ chức vụ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Motorola tại Chicago, Mỹ; Kết toán trưởng của Comvik, Kinnewik Telecom Group, Thụy Điển; Giám đốc Thương mại của Tập đoàn truyền thông - Ringer Media, Thụy Điển. Ông Quyến còn có bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh (California, Mỹ) và thạc sĩ Tài chính (London, Anh).

Theo tài liệu cơ quan điều tra, LVS được thành lập năm 2009 và có 1,38% (khoảng 1,7 tỷ đồng) vốn Nhà nước. Tháng 6/2010, Hoàng Xuân Quyến được hội đồng quản trị (HĐQT) LVS bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.

Ông Hoàng Xuân Quyến - nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS)

Theo quy định tại Điều lệ Công ty và văn bản ủy quyền thì ông Quyến chỉ được ký hợp đồng repo cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Liên Việt PostBank) với hạn mức đến 10 tỷ đồng. Với các giao dịch trên 10 tỷ đồng, phải báo cáo Chủ tịch HĐQT Công ty trước khi thực hiện.

Ông Quyến cũng chỉ được ký các hợp đồng theo hạn mức được phân cấp và các hợp đồng được ĐHCĐ, HĐQT phê duyệt.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2011, Hoàng Xuân Quyến ký các hợp đồng repo 3 triệu cổ phiếu của CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec Group) với giá 10.000 - 12.500 đồng/CP, lãi suất 19%/năm. Tổng giá trị các thương vụ này hơn 38 tỷ đồng.

Khi hợp đồng đáo hạn, giá cổ phiếu giảm mạnh, các khách hàng không có khả năng trả tiền cho LVS nên đã bỏ lại không tất toán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu Cotec, dẫn đến thiệt hại cho công ty.

Tổng giám đốc “lệnh” xác nhận khống các mã chứng khoán

Ngày 18/1/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Lê Hồ Khôi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An đã có hành vi “Chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hồ sơ nhận uỷ thác đầu tư của khách hàng để vay rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB)”. Theo SHB, hành vi chiếm đoạt nêu trên diễn ra tại Habubank, trước khi ngân hàng này sáp nhập vào SHB.

Ông Lê Hồ Khôi sinh năm 1961 tại Hải Dương và là Tiến sĩ Khoa học Kinh tế. Ông từng có 10 năm công tác tại Ủy ban Vật giá Nhà nước, sau đó trải qua nhiều cơ quan khác nhau như Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Từ năm 2007-2009, ông Khôi đảm nhiệm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Tràng An.

Từ tháng 10/2012, nhiều khách hàng của Chứng khoán Tràng An đã liên tục phản ánh về tình trạng chứng khoán và tiền trong tài khoản mở tại công ty biến mất mà không lý do.

Khi làm việc với lãnh đạo Chứng khoán Tràng An, các nhà đầu tư mới phát hiện nhân viên công ty đã bán rất nhiều mã chứng khoán, đồng thời tự ý rút tiền trong tài khoản khách hàng.

Công ty chứng khoán SME “rút” 400 tỷ đồng

Ngày 2/8/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét nơi ở và bắt tạm giam ông Phan Huy Chí - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán SME cùng Phạm Minh Tuấn, phó chủ tịch HĐQT, Nguyễn Thành Nam (SN 1975), nguyên Giám đốc Chi nhánh TPHCM và hai cán bộ Nguyễn Huy Sơn (SN 1981), Nguyễn Phương Lan (SN 1980). về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Phan Huy Chí - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty CP Chứng khoán SME

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2011, nhóm bộ sậu tại Công ty chứng khoán SME đã dùng thủ đoạn  đưa các mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, hợp đồng ủy thác, cầm cố với các đối tác gồm: Tổng công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), công ty cổ phần đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) và ngân hàng Habubank để lừa đảo của các tổ chức hơn 380 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định Phạm Minh Tuấn giữ vai trò chủ mưu đã dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt của PVI, Habubank, PVFI với tổng số tiền hơn 190 tỷ đồng. Phan Huy Chí bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 99 tỷ đồng… Ngoài ra, các bị can trên đã làm giả hồ sơ khách hàng vay ứng trước tiền bán chứng khoán để lừa BaoVietbank HCM giải ngân 89,7 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Cao su

Tháng 8/2012, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an, đã bắt tạm giam ông Phan Minh Anh Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Cao su, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (RFC) về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn là Tổng giám đốc RFC.

Cùng bị bắt với ông Ngọc còn có Vương Đáng, trưởng phòng tín dụng và Trần Quốc Hoàng nhân viên tín dụng RFC.

Tính đến hết năm 2011, Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Việt Nam nắm giữ 51% trên 40 tỷ đồng vốn điều lệ của chứng khoán cao su. Tuy nhiên, mức lỗ lũy kế của công ty này đã lên đến 33,3 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, công ty tiếp tục lỗ thêm 6,63 tỷ đồng dẫn đến mức lỗ lũy kế lên xấp xỉ 40 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn 65,7 triệu đồng. Tổng tài sản cũng chỉ còn hơn 9,46 tỷ đồng

Tổng giám đốc công ty chứng khoán Trường Sơn “dính chàm”

Ngày 21/3/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trường Sơn (Công ty TSS), đồng thời khởi tố bị can, bắt giam đối với Hồ Hoài Nam (SN 1977), Tổng giám đốc Công ty TSS và Nguyễn Trung Thành (SN 1980), Phó tổng giám đốc Công ty TSS.

Sếp lớn của công ty TSS cũng dính chàm

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy vào tháng 3/2011, ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TSS, đã ủy quyền cho Hồ Hoài Nam ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Tín Nghĩa (Ngân hàng TNB, nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Ngân hàng SCB) với điều kiện khách hàng phải có hoạt động chứng khoán thì mới được vay vốn.

Lợi dụng vào hợp tác nêu trên, từ ngày 12 đến ngày 14/1/2011, Hồ Hoài Nam và Nguyễn Trung Thành đã làm giả 28 bộ hồ sơ để vay tiền của Ngân hàng TNB. Trong đó, các đối tượng đã giả mạo chữ ký khách hàng trong giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết; ký khống giấy xác nhận kết quả giao dịch... để vay hơn 43,6 tỉ đồng của Ngân hàng TNB. Đến nay Công ty TSS đã ngừng hoạt động không còn khả năng thanh toán.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an còn nhận được nhiều đơn của cá nhân và doanh nghiệp tố cáo Công ty TSS với thủ đoạn môi giới trái phiếu chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng đến nay cố tình không thanh toán.

Thu Thủy (TH)

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến