Dòng sự kiện:
SHB 'như cô gái đẹp' sẽ thay đổi chiến lược, tìm kiếm 'rể ngoại'
12/04/2023 15:04:02
Nói về vấn đề tìm cổ đông chiến lược cho ngân hàng, Chủ tịch SHB cho biết: "SHB từ trước tới nay luôn đang theo xu hướng "chung thuỷ" nhưng chúng tôi sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại".

Chiều 11/4,  Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023.

Đại hội đã đưa ra 2 kế hoạch kinh doanh dựa trên 2 giả định hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong cả 2 phương án, mục tiêu lợi nhuận đều tăng lên trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Phương án 1, SHB đề ra dựa trên mức tăng trưởng tín dụng 10%. Theo đó, tín dụng sẽ đạt gần 429,9 nghìn tỷ đồng. Với phương án này, tới cuối năm 2023, tổng tài sản của SHB sẽ tăng 8,93% lên hơn 600.100 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tăng 12,05% lên gần 456.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng.

Phương án 2, SHB xây dựng dựa trên giả định mức tăng trưởng tín dụng 14%. Theo đó, tín dụng sẽ đạt gần 445.130 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Tổng tài sản vào cuối năm sẽ đạt 606.500 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 14,78% lên gần 467.300 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 9,67% lên 10.626 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Hiển tại đại hội đồng cổ đông Ngân hàng SHB.

Báo cáo ĐHCĐ, ông Đỗ Quang Vinh, thành viên HĐQT, cho biết, tại thời điểm cuối năm 2022, thị trường tài chính và chứng khoán thế giới và Việt Nam có nhiều biến động không thuận lợi. Để bảo vệ tối đa lợi ích cho các cổ đông hiện hữu và mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất, SHB đã tạm dừng triển khai tăng vốn theo 2 phương án trước đó (phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động ESOP theo các tờ trình đưa ra từ ĐHCĐ năm 2022).

Trong năm 2023, Ngân hàng SHB do ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) làm Chủ tịch, sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, tương đương mức lợi nhuận dùng để chia cổ tức là 5.520 tỷ đồng, trích từ lợi nhuận sau thuế.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, SHB sẽ phát hành 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá là 451,2 tỷ đồng.

Năm 2022, SHB đạt 9.689 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của ngân hàng cuối năm 2022 đạt 550.904 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2021 và đứng thứ 6 về tổng tài sản trong các ngân hàng TMCP tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam. Với vốn điều lệ 30.674 tỷ đồng, SHB đang là ngân hàng đứng top 5 về vốn điều lệ trong khối ngân hàng TMCP tư nhân.   

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của SHB năm 2022 là 6.489 tỷ đồng. SHB dự kiến trình ĐHĐCĐ chia cổ tức năm 2022 là 18% bằng cổ phiếu, tương đương lợi nhuận dùng để chia cổ tức là 5.520 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại gần 864 tỷ đồng.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ được thực hiện sau khi SHB hoàn tất các thủ tục chấp thuận và báo cáo lại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Năm nay, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 19,47% lên 36.645 tỷ đồng thông qua chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu và phát hành 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu phổ thông phát hành cho người lao động sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, do HĐQT quyết định sau khi ĐHĐCĐ thông qua và được sự chấp thuận của cơ quản lý Nhà nước. Số vốn tăng thêm sẽ sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay, đầu tư, cấp tín dụng.

Tại ĐHCĐ thường niên 2023, nói về vấn đề tìm cổ đông chiến lược cho ngân hàng, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết: "SHB từ trước tới nay luôn đang theo xu hướng "chung thuỷ" nhưng chúng tôi sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại. SHB như một cô gái đẹp và rất nhiều chàng trai quan tâm". Tuy nhiên, ông Hiển cũng khẳng định, việc chọn nhà đầu tư là quá trình lâu dài, các đối tác cũng cần có khả năng tài chính tốt, chấp nhận đầu tư lâu dài.

"Chúng tôi đã và đang tiếp cận với một số nhà đầu tư nhưng với chiến lược từ 3 - 5 năm. Trong năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta sẽ có những "chàng rể" về trung hạn", Chủ tịch SHB nói.

Ngoài ra, HĐQT SHB cũng trình cổ đông phương án chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội Lào (SHB Lào) và Ngân hàng TNHH Đại chúng Sài Gòn – Hà Nội Campuchia (Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội Campuchia/ SHB Campuchia). Trong năm 2022, đại diện SHB tại Lào, Campuchia cũng có các buổi làm việc với Chính Phủ nước sở tại, được giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng. Hiện nay SHB Lào và SHB Campuchia vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn đối tác để phù hợp với định hướng chiến lược và đáp ứng quy định pháp luật hai bên.

Do vậy, HĐQT SHB trình ĐHĐCĐ thông qua việc SHB tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của SHB Lào và SHB Campuchia theo Tờ trình số 07/TTr-HĐQT ngày 01/04/2021 tại ĐHĐCĐ 2021.

Cũng tại phiên họp, SHB đã trình cổ đông tờ trình về việc bầu bổ sung, thay thế nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Ngân hàng miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Võ Đức Tiến và ông Nguyễn Văn Lê. Đồng thời, bầu bổ sung 4 nhân sự là bà Ngô Thu Hà, ông Đỗ Đức Hải, ông Phạm Viết Dần và một thành viên HĐQT độc lập là ông Haroon Anwar Sheikh.

Năm 2023, Hội đồng quản trị SHB sẽ tiếp tục thực hiện các các nghị quyết của ĐHCĐ các kỳ họp trước và trình kế hoạch chia cổ tức với mức 15%.

Bảo Khánh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến