Theo SCMP, Shopee - sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Đông Nam Á - vừa có một đợt sa thải nhân viên tại thị trường Trung Quốc vào đầu tuần. Trước tình trạng kinh doanh thua lỗ, công ty mẹ Sea Limited tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm nhân sự trên phạm vi toàn cầu.
Mùa sa thải của các hãng công nghệ
Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 19/9, Shopee cho biết việc cắt giảm là một trong những nỗ lực nhằm “tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, từ đó hướng tới mục tiêu đạt khả năng tự cung tự cấp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh”.
Sàn TMĐT không nêu rõ quy mô đợt sa thải mới nhất nhưng cam kết hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng bởi quá trình thay đổi. Một nguồn tin giấu tên nắm rõ vấn đề này cho biết chưa đến 10% nhân viên mỗi nhóm làm việc bị ảnh hưởng.
Đợt cắt giảm việc làm mới nhất của Shopee nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội. Một tài khoản tự xưng là nhân viên Shopee tiết lộ sau 7 phút nhóm họp với sếp, người này lập tức nhận thông báo bị sa thải.
Hoạt động kinh doanh kém hiệu quả cùng bối cảnh vĩ mô đầy thách thức khiến các hãng công nghệ lao đao. Ảnh: Today.
Bài đăng này thu hút hơn 400 bình luận và 500 lượt chia sẻ. Tài khoản trên thậm chí tiết lộ thêm một đơn vị kinh doanh đã sa thải hơn 2/3 lượng nhân viên.
Các công ty Trung Quốc đại lục thường tổ chức một số đợt cắt giảm nhân sự lớn để tái cơ cấu hoặc tối ưu hóa kinh doanh, tránh sự can thiệp của chính phủ theo luật lao động. Tuy nhiên, tình trạng làm ăn bết bát hiển thị trong báo cáo tài chính cho thấy quy mô thanh lọc của những gã khổng lồ công nghệ thời gian gần đây lớn hơn nhiều.
Trong quý II, Tencent Holdings - một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Shopee - đã có đợt cắt giảm nhân sự đầu tiên kể từ năm 2014 với quy mô 5.500 nhân viên. Cùng giai đoạn này, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi cũng loại bỏ hơn 900 vị trí, tương đương 3% lực lượng nhân sự.
Tương tự, Alibaba Group Holding thanh lọc khoảng 9.200 nhân sự. Shopee gần đây cũng gây chú ý ở Trung Quốc sau khi một lao động tiết lộ bị “hủy ngang” lời mời làm việc ngay phút chót sau khi anh này vừa bay đến trụ sở công ty ở Singapore.
“Tôi vừa hạ cánh cùng vợ và chú chó của mình thì nhận được thông báo hủy bỏ giao kèo làm việc ngay tại sân bay”, người này bức xúc.
Rời bỏ hàng loạt thị trường
Trên thực tế, quá trình sa thải của Shopee đã diễn ra từ giữa năm nay. DealStreetAsia cho biết quá trình sa thải nhân viên ảnh hưởng đến một số thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài mảng TMĐT, mảng thanh toán ShopeePay và giao thực phẩm ShopeeFood cũng đối mặt với quá trình thanh lọc. Một số nguồn tin chia sẻ thêm Shopee đã ngừng tuyển dụng và hủy bỏ các vị trí mới trúng tuyển.
Theo báo cáo của Bloomberg và Reuters, Shopee cũng có kế hoạch cắt giảm 3% nhân viên của mình tại Indonesia, rời khỏi Argentina và đóng cửa các hoạt động địa phương ở Chile, Colombia và Mexico. Đầu năm, công ty buộc phải đóng cửa hoạt động tại Ấn Độ và Pháp sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh thất vọng.
Văn phòng của Shopee tại Singapore. Ảnh: Shopee.
Trong báo cáo kinh doanh quý II, Sea Limited thu về 2,9 tỷ USD nhưng lỗ ròng 931 triệu USD, gấp 2 lần con số 433 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Shopee là nguồn thu chính của Sea. Trong cơ cấu doanh thu, mảng TMĐT và dịch vụ khác có đóng góp nhiều nhất, chiếm 58% tổng doanh thu. Song, chi phí doanh thu thuộc mảng này chiếm tới 72%, chủ yếu do gia tăng chi phí hậu cần.
Mới đây, tập đoàn mẹ hạ dự báo tăng trưởng doanh thu mảng TMĐT từ 8,9 tỷ USD xuống còn 8,5 tỷ USD, đồng thời rút lại dự báo TMĐT do môi trường vĩ mô biến động mạnh khiến thị trường trở nên khó lường.
Shopee thu về 1,7 tỷ USD trong quý II nhưng lỗ hệ số điều chỉnh trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) khoảng 648,1 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Như vậy, mức lỗ EBITDA điều chỉnh trên mỗi đơn hàng khoảng 0,33 USD.
Kể từ mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 10, giá trị vốn hóa của tập đoàn đã bốc hơi hơn 170 tỷ USD.
Tuần trước, CEO Forrest Li tuyên bố ban lãnh đạo cấp cao của Sea sẽ không nhận lương và thắt chặt các chính sách chi tiêu của tập đoàn cho đến khi công ty có thể tự lực về tài chính.
Hiện mục tiêu của công ty trong 12-18 tháng tới là tạo ra dòng tiền dương càng sớm càng tốt. Trước mắt, công ty sẽ giới hạn chi phí vé máy bay và ăn uống cho các chuyến công tác. Chi phí khách sạn đối với những chuyến đi công tác giảm còn 150 USD/đêm. Các hóa đơn ăn uống, giải trí trong những chuyến đi cũng không được hoàn trả.
Tác giả: Minh Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy