Doanh nghiệp “3 không” hết cửa phát hành trái phiếu riêng lẻ
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, thời gian qua, trái phiếu “3 không” - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán - xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 11 tháng đầu năm nay, 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Trong 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm, thì có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ. Đáng lưu ý, có tới một nửa trái phiếu doanh nghiệp phát hành phát hành không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác. Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ đầu năm nay, có tới 26 doanh nghiệp thua lỗ.
“Trái phiếu ‘3 không’ tiềm ẩn rủi ro rất lớn, không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho cả hệ thống tài chính. Việc siết chặt chất lượng trái phiếu riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, chỉ vài doanh nghiệp đổ vỡ là thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định.
Nhận diện sự bất ổn của thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành…
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, quy định trên nếu được ban hành sẽ chặn đứng trái phiếu “3 không” chào bán tràn lan trên thị trường.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ ở Việt Nam, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đang ở mức cảnh báo do thiếu minh bạch. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, đòn bẩy tài chính cao, nhưng vẫn “tay không bắt giặc”, rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động hàng ngàn tỷ đồng. Đa phần lượng trái phiếu doanh nghiệp này phát hành không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không được xếp hạng tín nhiệm, cũng không ai quản lý, giám sát dòng tiền sau huy động vốn.
“Việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u mới của nền kinh tế. Bom nợ Evergrande là bài học nhãn tiền cho Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 3 quý của năm 2021 tăng trên 18% so với cùng kỳ 2020, trong đó phát hành nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp bất động sản. Đồ họa: Đan Nguyễn
Lập sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ, chặn trái phiếu rác
Theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính, trái phiếu riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có xu hướng giảm mua trên thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, trong khi nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty chứng khoán) lại tăng mua.
Dù vậy, thực tế cho thấy, đa phần lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ trên thị trường lại chủ yếu đến tay nhà đầu tư cá nhân. Như Báo Đầu tư đã từng phản ánh, bất chấp quy định chỉ được bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, “chợ” mua bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vẫn vô cùng tấp nập trên mạng xã hội, công khai mời chào nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Chỉ cần có nhu cầu mua trái phiếu, nhà đầu tư ngay lập tức được các đơn vị phân phối trái phiếu “phù phép” trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Trước phản ánh của báo chí, thời gian gần đây, Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, đồng thời đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Apec Group vì hành vi bán trái phiếu “chui”.
Việc siết hoạt động mua bán chui trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mặt trái của quy định này là sẽ “bít” luôn thanh khoản của thị trường, do thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh siết bên mua trên thị trường sơ cấp, cơ quan quản lý cần nhanh chóng mở rộng thị trường thứ cấp để tăng thanh khoản cho thị trường.
Được biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đã bổ sung quy định về đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch. Quy định này được giới chuyên gia đánh giá cao. Việc lập sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ sẽ tạo ra một chợ giao dịch sôi động cho các nhà đầu tư, làm tăng tính thanh khoản của thị trường này.
Liên quan chất lượng trái phiếu riêng lẻ được niêm yết trên sàn, Bộ Tài chính cho biết sẽ có đưa ra nhiều quy định để chặn trái phiếu rác. Theo Dự thảo của Bộ Tài chính, ngoài trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng chỉ được lên sàn nếu đáp ứng một số điều kiện, như có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn; doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên; hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán…
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy