Dòng sự kiện:
Dự án Apec Mandala Mũi Né ai đứng sau?
27/06/2019 16:39:49
'Siêu' dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né có tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng, chủ đầu tư là 2 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HNX.

"Siêu" dự án 15.000 tỉ chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư đã rao bán

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận vừa mới có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment) về việc chấn chỉnh giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né tại phường Mũi Né, Thành phố Phan Thiết.

Theo đó, sở này cho biết, hiện IDJ Investment chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng tại dự án trên. Tuy nhiên hiện nay có nhiều phản ánh của báo chí và trên mạng internet về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, vi phạm quy định pháp luật.

Phối cảnh dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng nhưng bị báo chí phản ánh đã rao bán, chuyển nhượng thông qua một số hình thức. Ảnh: Website giới thiệu dự án.

Sở Xây dựng đề nghị IDJ Investment không thực hiện ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động vi phạm trên, đồng thời không đăng tải trên mạng các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch BĐS tại dự án này khi chưa dủ điều kiện giao dịch.

Sở Xây dựng cũng đề nghị IDJ Investment sớm hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư và giấy phép xây dựng để đủ điều kiện đưa dự án vào kinh doanh.

"Soi" bước ngoặt đầu tư vào bất động sản của liên danh chủ đầu tư

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né do Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC Group) và doanh nghiệp liên kết là Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 4,5 ha, tổng vốn đầu tư đầu tư 15.000 tỉ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành vào quý III/2021.

Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment, mã: IDJ) có trụ sở tại Tầng 16, toà nhà Charmvit Tower, số 117 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tiền thân là Công ty cổ phần tài chính quốc tế và phát triển doanh nghiệp IDJ, được thành lập ngày 15/3/2007 với số vốn điều lệ 149,6 tỉ đồng. Ngày 19/06/2015 đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam.

Tháng 7/2007, công ty đầu tư và phát triển dự án trường TH và THCS Hà Nội Academy thông qua công ty con là IDJ Education.

Ngày 5/1/2009, đầu tư phát triển khối Trung tâm Thương mại và 3 tầng văn phòng tại Tổ hợp Khách sạn – Văn phòng – Trung tâm thương mại cao cấp Grand Plaza do Tập đoàn Charm Vit, Hàn Quốc làm chủ đầu tư.

Ngày 5/6/2010, IDJ Investment tăng vốn điều lệ lên 326 tỉ đồng.

Ngày 13/9/2010, IDJ Investment niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán IDJ.

Ngày 15/1/2011, IDJ Investment được công nhận là một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo Bảng xếp hạng VNR 500.

Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC Group, mã: API) cũng có trụ sở tại số 117 Trần Duy Hưng, nằm ở Tầng 3, TTTM Grand Plaza thuộc toà nhà Charmvit Tower (Công ty Charmvit – Chủ đầu tư tòa nhà Charmvit Tower đã bán TTTM Grand Plaza và quyền sử dụng đất tại khu TTTM này cho Công ty IDJ Việt Nam 50 năm).

APEC Group được thành lập ngày 31/7/2006 với vốn điều lệ ban đầu là 22,95 tỉ đồng. Năm 2007 công ty tăng vốn lên 220 tỉ đồng, tới năm 2009 tăng vốn lên 264 tỉ đồng. Năm 2014 vốn điều lệ của công ty tiếp tục tăng lên 364 tỉ đồng và duy trì cho đến nay.

Ngày 27/10/2019, công ty niêm yết cổ phiếu trên UPCOM với mã CK API. Ngày 13/9/2010, gần 26,4 triệu cổ phiếu API chính thức niêm yết trên HNX.

Từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX cho đến nay, APEC liên tục khởi công các dự án mới tại nhiều tỉnh thành. Cùng thời điểm cổ phiếu API chuyển niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, APEC Group cũng công bố khởi công một dự án Trung tâm thương mại tại Thái Nguyên.

Năm 2011, công ty khởi công tiếp dự án thứ 2 tại Thái Nguyên - dự án khu đô thị Túc Duyên.

Năm 2012 khởi công dự án Khu công nghiệp Đa Hội. Cũng trong năm này, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Quốc tế và Phát triển Doanh nghiệp IDJ (tên mới là Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam) trở thành Công ty liên kết của API. Quỹ ASEAN SMALL CAP FUND trở thành cổ đông lớn của công ty. Khởi công dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy.

2014, công ty khởi công dự án Khu đô thị Azura Graden – Huế, tăng vốn Điều lệ lên 364 tỉ đồng và hoàn thành việc tăng vốn này vào năm 2015.

Năm 2016, APEC Group khởi công và bán hàng các dự án trọng tâm của công ty gồm Royal Park Bắc Ninh, Royal Park Huế, APEC Đa Hội.

Năm 2018, API đã tuyên bố phát triển thêm các dự án mới tại Bắc Giang (Aqua Park Bắc Giang), Hải Dương (Royal Park Hải Dương), Hòa Bình (APEC Paradise Hòa Bình).

Hai dự án đánh dấu cho việc liên kết, hợp tác giữa APEC Group và IDJ Investment trong việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản đó là dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (Phan Thiết) và dự án Apec Diamond Park (trên khu đất nhà máy xi măng Lạng Sơn cũ, QL1, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn).

Dự án Royal Park Bắc Ninh của APEC Group liên tục bị xử phạt vì dính nhiều sai phạm. Ảnh: Báo Thương gia.

Cách đây vài ngày, dự án Royal Park Bắc Ninh do Công ty TNHH đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương - Bắc Ninh (công ty con của APRC Group) làm chủ đầu tư đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt 52,6 triệu đồng vì hàng loạt vi phạm hành chính như không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà trong quá trình sử dụng; vi phạm PCCC…

Trước đó, hồi tháng 11/2018, chủ đầu tư dự án này cũng đã bị xử phạt 340 triệu đồng do sai phạm về bàn giao căn hộ, đưa công trình dự án Royal Park Bắc Ninh vào sử dụng khi chưa hoàn thành nghiệm thu; công khai chưa chính xác các nội dung về dự án…

Giai đoạn 6 năm liên tục từ 2008 - 2016 là những năm tháng có thể nói là lênh đênh của APEC Group. Trong 6 năm này, công ty không có doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ do các dự án đều trong giai đoạn đầu tư, chưa phát sinh hoặc chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu (mặc dù vẫn có nguồn thu huy động được từ khách hàng).

Tới năm 2017, API ghi nhận nguồn thu lớn mang về từ 3 dự án Royal Park Bắc Ninh, Khu công nghiệp vừa và nhỏ Đa Hội và dự án Royal Park Huế.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của API cho thấy, tổng tài sản của công ty đạt 1.447 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2016 (719 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 27 tỉ đồng, chấm dứt chuỗi lỗ lũy kế các năm trước đó.

Nhờ thoát lỗ, cổ phiếu API đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức đưa ra khỏi diện cảnh báo kể từ 21/3/2018.

Trong 3 dự án mang về nguồn thu lớn cho API trong năm 2017, nếu như dự án Royal Park Bắc Ninh gây sự chú ý của dư luận bởi dính nhiều sai phạm thì dự án Royal Park Huế lại thu hút sự quan tâm bởi được định hướng, quảng cáo là thành phố xanh như Khu đô thị Ecopark ở Hưng Yên.

Điều này cũng là dễ hiểu bởi dự án Royal Park Huế do API hợp tác với Tập Đoàn Cotana làm chủ đầu tư. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cotana - ông Đào Ngọc Thanh cũng đồng thời là người sáng lập và CEO của Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) – chủ đầu tư Khu đô thị xanh Ecopark.

Còn Chủ tịch HĐQT API, ông Nguyễn Đỗ Lăng - cũng là Phó chủ tịch HĐQT của Tập Đoàn Cotana.

Số liệu tồn kho, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của API tính đến ngày 31/12/2018

Tính đến này 31/12/2018, APEC Group đã đổ hơn 235 tỉ đồng vào dự án Royal Park Huế. Còn tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC Mandala Mũi Né vừa bị tỉnh Bình Thuận "tuýt còi", doanh nghiệp này đã đầu tư gần 172 tỉ đồng nhưng dự án vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Theo KTTD/phapluatnet/MTDT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến