Dòng sự kiện:
Số hoá ngân hàng - cơ hội đột phá
01/11/2018 15:09:34
Quá trình số hóa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm dịch vụ tích hợp của khách hàng trong kỷ nguyên số, tạo nên sự phát triển đột phá trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng.

Ngành Ngân hàng đã đang, làm gì trước cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh xung quanh vấn đề này. 

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh

Phó Thống đốc đánh giá về tiềm năng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng Việt Nam?

Có thể khẳng định tiềm năng ứng dụng, khai thác công nghệ số để tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó tạo bước phát triển đột phá của hệ thống ngân hàng Việt Nam là rất lớn. Trên thực tế chúng ta đã tạo được một số nền tảng, yếu tố quan trọng về mặt hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho thúc đẩy triển khai, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp hữu ích, thiết thực, đem lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Về mặt cơ chế, chính sách, nhận thức rõ tiềm năng to lớn và sự tác động mạnh mẽ của công nghệ số đối với hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp của ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 ở các mặt sau: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng CNTT, tăng cường an toàn, bảo mật; (ii) Tăng cường nâng cấp, phát triển hạ tầng CNTT của NHNN, hạ tầng thị trường (hệ thống thanh toán quan trọng, hệ thống thông tin tín dụng…); (iii) xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn cơ sở về đặc tả kỹ thuật mã QR và công nghệ thanh toán thẻ chip đối với thẻ nội địa để cho phép khách hàng tại các ngân hàng khác nhau thực hiện thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ liên thông, an toàn, thuận tiện theo tiêu chuẩn, cơ chế chung; (iv) Tích cực hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech, tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính (FCV) lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5/2018; (v) Tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu CMCN 4.0 trong ngành Ngân hàng.

Về mặt hạ tầng kỹ thuật, có thể thấy một số hạ tầng nền tảng cơ bản tạo thuận lợi và đóng góp tích cực cho công tác chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã được thiết lập, đi vào vận hành ổn định từ nhiều năm nay. Cụ thể là hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IBPS) đóng vai trò trục thanh toán xương sống của nền kinh tế; hệ thống thu thập, cung cấp thông tin tín dụng của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Trong năm tới 2019, Hệ thống bù trừ tự động cho thanh toán bán lẻ (ACH) dự kiến sẽ đưa vào vận hành, tạo thuận lợi hơn nữa cho các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán trong số hóa dịch vụ ngân hàng - thanh toán theo hướng ngân hàng số, thanh toán số phục vụ thương mại di động, các hoạt động nền kinh tế số trong kỷ nguyên 4.0.

NHNN cũng có định hướng rõ ràng về kiến trúc tổng thể của hệ thống công nghệ thông tin (CNTT). Đây là nền tảng rất quan trọng định hướng ứng dụng CNTT của NHNN cũng như toàn ngành giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030. Nền tảng kiến trúc này đáp ứng được yêu cầu về số hóa sản phẩm dịch vụ do NHNN vận hành, sử dụng nội bộ hoặc giao diện với bên ngoài, với các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới đã được NHNN lựa chọn như: (i) hệ thống ngân hàng lõi T24- Temenos; (ii) Hệ thống sổ cái EGL và quản trị nguồn lực ERP của Oracle; (iii) Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (SAP); (iv) giải pháp Kho dữ liệu Oracle Data Warehouse; (v) Trục tích hợp dữ liệu ESB - Tibco.

Trên cơ sở định hướng, giải pháp trên, thời gian qua, nhiều ngân hàng Việt Nam đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số, giải pháp đột phá của CMCN 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học… để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số tiện lợi, tăng cường trải nghiệm khách hàng hoặc áp dụng đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro. Nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa đích thực như các ngân hàng TPBank với ngân hàng tự động LiveBank, VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, VietinBank với Corebank thế hệ mới và kho dữ liệu Doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…


Bên cạnh những tiềm năng, cơ hội bứt phá như Phó Thống đốc vừa chia sẻ thì những thách thức, nguy cơ rủi ro cần quan tâm khi số hóa hoạt động ngân hàng là gì?

Bên cạnh những cơ hội rộng mở từ ứng dụng sâu rộng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, số hóa hoạt động ngân hàng cũng đặt ra một số nguy cơ, thách thức cơ bản cho các ngân hàng như sau:

Thứ nhất, thách thức vượt qua tư duy ngại thay đổi, theo “lối mòn” để không ngừng đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ, mô hình hợp tác; tăng cường nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng sâu rộng các công nghệ thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, thách thức trong việc phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số có tính tích hợp cao trong bối cảnh hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt, ngày càng dựa nhiều hơn vào các mạng lưới, nền tảng số phục vụ nhu cầu thường nhật và điện thoại thông minh kết nối Internet. Điều này buộc các ngân hàng phải sớm điều chỉnh cách thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp theo hướng số hóa, tự động hóa, tùy biến theo cá nhân… nếu không muốn đánh mất khách hàng hoặc khách hàng giảm sự trung thành.

Thứ ba, thách thức về bảo mật bí mật thông tin khách hàng và đảm bảo an ninh mạng. Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày nay càng trở nên số hóa, kết nối trực tuyến, liên tục với khách hàng qua nhiều thiết bị số cá nhân, trên nhiều kênh khác nhau. Đây chính là môi trường thuận lợi để tội phạm công nghệ cao, tin tặc khai thác các yếu điểm hòng gian lận, trục lợi từ người dùng và thâm nhập vào hệ thống, đòi hỏi các ngân hàng không được chủ quan, xem thường mà phải có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn cho đảm bảo an toàn bảo mật và bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Thứ tư, trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề mấu chốt cho sự thành công trong thực hiện chuyển đổi số, triển khai công nghệ số. Đào tạo lại nguồn nhân lực thích ứng với xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, đào tạo các khả năng mới về công nghệ số, vận hành, cung ứng dịch vụ trong môi trường mạng, nền tảng số, thu hút và giữ chân các tài năng công nghệ số, bố trí nguồn lực tài chính thích đáng cho công tác này sẽ là một trong những thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao của ngân hàng.


Phó Thống đốc cho biết giải pháp chủ yếu của ngành Ngân hàng để tận dụng cơ hội, hạn chế những rủi ro, thách thức khi thực hiện số hóa hoạt động ngân hàng?

Ở tầm chiến lược, có thể khẳng định Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN đến lãnh đạo cấp cao của các TCTD đều thống nhất và quan tâm rất cao trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo lộ trình triển khai các chiến lược lớn là: Chiến lược phát triển ngành phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg, ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lồng ghép chiến lược phát triển công nghệ thông tin của toàn ngành và các giải pháp ứng dụng công nghệ số, công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để từng bước số hóa hoạt động ngân hàng. Ngành Ngân hàng đang tập trung xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện trong đó trụ cột quan trọng là sử dụng công nghệ số tạo lập các kênh để phổ cập tài chính.

Có 6 nhóm giải pháp cụ thể trong quá trình số hóa hoạt động ngân hàng, tóm lược như sau: Thứ nhất, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách, NHNN chỉ đạo rà soát bổ sung sửa đổi văn bản quy pháp pháp luật (VBQPPL) phù hợp với yêu cầu số hóa hoạt động ngân hàng; chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành VBQPPL mới, cơ chế chính sách cho việc thí điểm, thử nghiệm phạm vi hẹp đối với một số dịch vụ, giải pháp mới, có tính đột phá, đem lại hiệu quả thiết thực.

Thứ hai, nhóm giải pháp về phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống CNTT phục vụ cho sự phát triển thanh toán số, ngân hàng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Thứ ba, nhóm giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trên cơ sở công nghệ số. Ngành Ngân hàng đang xúc tiến nhanh một số nghiên cứu có tính định hướng lớn trong hoạt động của toàn ngành như “Nghiên cứu quản lý hoạt động huy động và cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng công nghệ cao”; “Xây dựng hệ thống định danh khách hàng điện tử (e-ID) phục vụ cho việc nhận biết khách hàng (KYC) trong các dịch vụ tài chính - ngân hàng”; “Nghiên cứu giao diện kết nối Ứng dụng mở (Open API) để ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam”. Thứ tư, nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin như chế độ tuyển dụng, đào tạo, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là bộ phận điều phối ứng cứu sự cố bị tấn công về IT. Thứ năm, nhóm giải pháp về truyền thông: đẩy mạnh truyền thông chính sách nhằm nâng cao nhận thức của toàn Ngành về CMCN 4.0 và các bước chuyển đổi số hóa hoạt động ngân hàng.

Thứ sáu, nhóm giải pháp về tăng cường sự hợp tác quốc tế, chia sẻ học tập kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương các nước cũng như các định chế tài chính quốc tế hàng đầu sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam có bước chuyển đổi số thành công trong các hoat động của mình.

Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến