Dòng sự kiện:
Sở Kế hoạch Đầu tư: Các dự án BT được chỉ định thầu đều đúng quy trình
26/06/2018 17:33:53
Đó là phát biểu của ông Vũ Duy Tuấn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong cuộc Họp giao ban Thành uỷ Hà Nội chiều ngày 26/6.

Hà Nội quyết triển khai một loạt dự án BT

Mới đây, tại hội nghị về hợp tác và đầu tư năm 2018 vừa diễn ra, lãnh đạo TP. Hà Nội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án, trong đó có 4 dự án về hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT.

Cụ thể, đó là 4 dự án: Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3; Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5; dự án tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda quận Hoàng Mai.

Trong đó, Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP đầu tư Hải Phát đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.961 tỷ đồng.

Dự án này được Hà Nội đề xuất từ năm 2009 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng 7 tuyến đường kết nối khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) vào đầu năm 2010.

Trong đó, quy mô đầu tư (dự kiến) xây dựng 7 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 12,54 km; tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ về thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông.

Còn Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.373 tỷ đồng.

Tuyến đường này có chiều dài khoảng 1,65 km nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai.

Để hoàn vốn đầu tư dự án BT thứ 2 này, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất tại 3 khu đất trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, khu đất thứ nhất là khu nhà ở Ao Mơ với diện tích khoảng 22,9 ha, bao gồm 3,85 ha diện tích tuyến đường mặt cắt 40m đi qua Dự án (Thành phố đã giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu, lập dự án đầu tư).

Khu đất thứ hai là các ô đất thuộc Dự án Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 với diện tích khoảng 11,29 ha, bao gồm 1,24 ha diện tích tuyến đường mặt cắt 40m đi qua Dự án (UBND Thành phố đã đồng ý về chủ trương cho phép Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm nhà đầu tư thực hiện).

Khu đất thứ ba là 3 quỹ đất do nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị Dự án BT và giá trị quỹ đất đối ứng, gồm: Dự án Ao Cây Dừa (diện tích đất khoảng 0,52 ha); Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng (diện tích đất khoảng 11,9 ha); Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì (diện tích khoảng 13 ha).

Thứ ba là dự án Tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda quận Hoàng Mai do Công ty TNHH TM và DV KS Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng.

Tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai dài khoảng 2,6km, chiều rộng mặt đường 40m, dự kiến được hoàn thành vào năm 2019.

Đổi lại, UBND TP Hà Nội cho phép nhà đầu tư này khai thác quỹ đất tại khu đất ký hiệu C9- CN3 trên địa bàn quận Hoàng Mai để thu hồi vốn đầu tư công trình BT; phạm vi, quy mô, ranh giới quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư sẽ được xác định cụ thể trên cơ sở tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn; Việc giao quỹ đất thanh toán thực hiện tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư là dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT. Dự án này do Liên danh Công ty CP Phát triển Nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí là 1.404 tỷ đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, các dự án trên là các dự án công trình giao thông, thuộc các dự án cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông, được Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố chỉ định thầu theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ số 78/2007/ NĐ-CP NGÀY 11/7/2007, SỐ 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 và số 15/2017/NĐ-CP ngày 14/2/2015.

"Những dự án BT được chỉ định thầu đều đúng quy trình"

Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, Hà Nội tiếp tục triển khai khá nhiều dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, liên quan đến hình thức này, các báo cáo của cơ quan kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra vô số bất cập, sai phạm tại nhiều dự án. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với hình thức này.

Trước nhiều thông tin còn "bỏ ngỏ" tại những dự án đổi đất lấy hạ tầng hiện nay, trong cuộc họp giao ban Thành uỷ Hà Nội chiều 26/6, nói về những vấn đề về BT, ông Vũ Duy Tuấn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải thực hiện các dự án BT vì ngân sách Nhà nước khó khăn, đầu tư công hạn chế và cắt giảm, hơn nữa, vốn ODA cũng đang rất hạn hẹp. 

Trong cuộc Họp Thành uỷ Hà Nội chiều 26/6 đã có những giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến dự án BT mà Hà Nội sắp triển khai

Cũng theo ông Tuấn, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án BT thực hiện theo luật Đấu thầu, tuy nhiên một số dự án được chỉ định thầu. Ông Tuấn chỉ rõ ví dụ về dự án vành đai 2, được phê duyệt năm 2012 từ vốn ngân sách Nhà nước hay dự án thứ 2 đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được thành phố phê duyệt năm 2015, thời điểm đó đã báo cáo Thủ tướng cho phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, trong quá triển khai thì phát sinh nhiều vấn đề vì dự án trậm tiến độ, ngân sách khó khăn.

"Tuy nhiên, những dự án BT được chỉ định thầu đều đúng quy trình", ông Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Tài Nguyên & Môi Trường phát biểu: "Tiền làm đường bao nhiêu chúng tôi sẽ giao đất cho doanh nghiệp bấy nhiêu, không có chuyện đưa thừa".

Nhiều chuyên gia lý giải, BT “đổi đất lấy hạ tầng” là hình thức hàng đổi hàng, là hình thức thương mại rất sơ khai. Nó không phải là hình thức thương mại phát triển cho thời điểm hiện nay. 

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong số 15 dự án đổi đất lấy hạ tầng tại Hà Nội có đến 14 dự án được chỉ định thầu.  Quả thực hình thức BT đã được chỉ ra rất nhiều bất cập.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc  cũng từng khẳng định hình thức này rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương. Tuy nhiên thời gian qua Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai nhiều dự án bằng cơ chế này.

Hiện nay câu chuyện chọn nhà đầu tư nào, phương thức nào để chọn nhà đầu tư là vấn đề rất lớn được đặt ra. Về mặt quy định pháp luật thì đều khẳng định cần phải đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Không được chủ động giao đất giao dự án qua chỉ định thầu là một trong khuyến nghị phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Thế nhưng thực tế tại nhiều dự án vẫn không thực hiện đấu thầu công khai mà mà chỉ định nhà đầu tư, thậm chí là những nhà đầu tư không đúng chuyên môn, không có kinh nghiệm về lĩnh vực dự án thực hiện dự, mà đặc biệt là dự án có yêu cầu cao thì rất dễ gây lo ngại. 

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến