Dòng sự kiện:
Số phận 11 con hổ của ông trùm buôn động vật hoang dã
15/02/2022 09:03:59
11 con hổ được nuôi nhốt trong điều kiện chuồng trại chật hẹp, kinh phí nuôi tốn kém gây áp lực cho chủ nuôi và cả đối với cơ quan chức năng huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Đàn hổ 11 con của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (SN 1970) được nuôi nhốt ở một khu đất riêng biệt tại thôn 27 Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, năm 2007, ông Chiến mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg đưa từ Lào về. Cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt ông Chiến 30 triệu đồng và cho phép được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ. Năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng.

Đàn hổ uể oải trong trại nuôi ở Thanh Hóa

Quá trình nuôi nhốt, vào các năm 2007, 2010, 2012, 4 con hổ bị chết, đàn còn lại 11 con. Tổng trọng lượng đàn hổ hiện khoảng 1.750 kg, con lớn nhất 200 kg, con nhỏ chừng 100 kg. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đàn hổ không sinh sản thêm con nào.

Đàn hổ được gia đình giao cho ông Trịnh Đình Bạch (62 tuổi) quản lý, chăm sóc. Trại nuôi rộng 3.800 m2, thiết kế nhiều hạng mục như nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... Chuồng nuôi được xây tường bao cao 2,5m quanh, phía trên gắn rào sắt 2,5m và có ba lớp cửa kiên cố bảo đảm hổ không vọt ra ngoài. Mỗi khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra, ông Bạch mới mở cổng cho vào.

Hàng ngày, ông Bạch làm vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào xung quanh, bơm nước uống, cuối giờ chiều chia thức ăn đến từng khu vực cho hổ.


Những chúa sơn lâm bị giam cầm trong không gian chật hẹp

Ông Trịnh Đình Bạch cho hay, khẩu phần ăn của đàn hổ khác nhau giữa mùa đông và mùa hè. Mùa đông trung bình 1 con ăn đến 10kg thịt chủ yếu là đầu gà, còn mùa hè thì ăn ít hơn và phải cho ăn thêm thịt bò, thịt lợn.

“Tất cả thực phẩm được kiểm duyệt kỹ trước khi cho hổ ăn. Tạm sơ tính một tháng mất khoảng 65- 70 triệu đồng cả tiền điện nước và tiền thức ăn”, ông Bạch nói.

Khi thấy người lạ, đàn hổ rất hung dữ, nên để đảm bảo an toàn cho người dân ngoài khu vực, người nuôi phải cắm biển cảnh báo và thường xuyên kiểm tra lưới thép.

“Từ năm 2012 đến nay, đàn hổ có cả đực và cái trưởng thành, song do nuôi nhốt trong khu chuồng chật hẹp lâu năm, thức ăn thiếu dinh dưỡng nên chúng không thể sinh sản”, ông Bạch giải thích.

Theo ông Bạch, hiện sức khỏe đàn hổ ổn định, tuy nhiên do chuồng hẹp, hổ đực thường tấn công nhau để giành bạn tình, nhất là vào kỳ động dục khiến một con bị thương.

Nuôi dưỡng đàn hổ cũng khiến chủ nuôi gặp khó khăn

Ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân, cho biết, giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản đàn hổ được cơ quan chức năng cấp phép đã hết hạn vào giữa năm 2017. Gia đình nhiều lần đề nghị cấp giấy phép mới, nhưng không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận do vướng quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cũng chưa có căn cứ tịch thu số hổ.

Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Chiến được vận động và nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc tổ chức phù hợp, song chưa thực hiện được vì vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn. Các trung tâm cứu hộ sẵn sàng tiếp nhận số hổ, song không chấp nhận chi tiền công chăm nuôi gần 15 năm qua theo đề xuất của chủ trại.

Chưa có giải pháp mới cho đàn hổ ở Thanh Hóa

Do hổ ăn nhiều, chi phí nuôi tốn kém nên đại diện gia đình ông Chiến cho biết đến giờ thực sự mệt mỏi, kiệt quệ. Gia đình cũng mong muốn được nhà nước hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động hoặc có phương án chuyển đàn hổ đến nơi phù hợp.

“Công tác quản lý, theo dõi đàn hổ cũng gây áp lực mệt mỏi đối với chúng tôi. Mỗi tuần 1 lần hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã Xuân Tín kiểm tra trại kiểm đếm số lượng, đánh giá mức độ an toàn chuồng trại... Việc đi lại xa xôi trong khi đó không có công tác phí gây khó khăn cho cán bộ. Hiện lực lượng kiểm lâm rất vất vả để bảo vệ đàn hổ”, ông Hài nói.

Ngoài ra, định kỳ 3 tháng một lần, lực lượng liên ngành kiểm tra trại hổ một lần. Mỗi lần kiểm tra đều được lập biên bản có chữ ký xác nhận của các bên. Gia đình ông Chiến được chăm nuôi, song không được phép di chuyển hoặc thay đổi hiện trạng đàn hổ.

Năm 2017, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) Bộ Công an, phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn, tịch thu 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã (ĐVHD) khác. Cùng năm, ông Chiến bị khởi tố về tội vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã.

 


Lương Diễn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến