Dòng sự kiện:
Số phận của 'thảm họa ngân hàng' Mỹ đã được định đoạt từ trước
13/03/2023 11:33:36
Khi cơn sốt tiền rẻ quét qua mọi ngóc ngách của ngành tài chính Mỹ trong thời kỳ đại dịch, SVB ngập trong tiền gửi. Đó là lúc nhà băng này tự đẩy mình vào bẫy.

Theo Bloomberg, mới đầu tháng, ông Greg Becker - CEO SVB Financial Group - có mặt tại một hội nghị giới hạn khách mời ở Los Angeles. Ông ngồi trên chiếc ghế đỏ, hai chân bắt chéo, một tay chỉ lên trời.

"Chúng tôi tự hào là đối tác tài chính hàng đầu trong thời điểm khó khăn nhăn nhất", vị CEO tuyên bố tại Upfront Summit hôm 1/3. Một ngày sau đó, ngân hàng của ông được vinh danh là ngân hàng của năm tại một sự kiện ở London.

Nhưng giờ, tất cả đã sụp đổ. SVB là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong 44 tiếng điên rồ, các công ty khởi nghiệp ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng vốn được coi là xương sống của giới startup công nghệ.

Nhưng trên thực tế, số phận của SVB đã được định đoạt từ nhiều năm trước. Đó là thời điểm cơn sốt tiền rẻ quét qua mọi ngóc ngách của ngành tài chính Mỹ trong thời kỳ đại dịch.

Tự tạo bẫy

Các công ty được rót vốn mạo hiểm đã huy động được 330 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp đôi kỷ lục cũ trong năm trước đó. Điểm mấu chốt nằm ở lãi suất thấp kỷ lục do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ấn định.

SVB đã nhận hàng chục tỷ USD từ các khách hàng của mình. Đáng nói, nhà băng này chuyển thẳng số tiền đó vào trái phiếu dài hạn vì tin rằng lãi suất sẽ ổn định.

Bloomberg nhận định với cách làm này, SVB đã tạo ra một cái bẫy.

Khi nhìn lại, các lãnh đạo của SVB chắc chắn sẽ phải tự vấn rằng, vì sao họ không lên trước kế hoạch phòng ngừa rủi ro khi ôm hàng tỷ USD tiền gửi từ những dự án công nghệ non trẻ và bấp bênh, hay đặt ra câu hỏi về kịch bản lãi suất tăng trở lại.

Vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh cách SVB xử lý rắc rối của mình trong những tháng qua. Một trong số đó là liệu nhà băng này có sai lầm khi chưa thể huy động được 2,5 tỷ USD trước lúc công bố khoản lỗ tỷ USD hay không.

Sự sụp đổ của SVB là minh chứng cho thấy Phố Wall đã phớt lờ hàng loạt rủi ro bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường tài chính giữa cú sốc đại dịch.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng SVB sẽ không phải trường hợp duy nhất. KBW Bank Index - chỉ số theo dõi cổ phiếu nhóm ngân hàng của Mỹ - đã lao dốc mạnh nhất trong vòng một tuần kể từ tháng 3/2020.

SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ 2 phải đóng cửa tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Trở lại tháng 3/2021, SVB gặp phải một vấn đề mà những đối thủ khác phải ganh tị. Đó là các khách hàng của ngân hàng này đổ xô gửi tiền.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Để so sánh, mức tăng của JPMorgan và First Republic Bank lần lượt là 24% và 36,5%.

"Tôi luôn nói với mọi người rằng mình tự tin được điều hành ngân hàng tốt nhất thế giới và có thể là một trong những giám đốc điều hành tốt nhất", ông Becker khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV vào tháng 5/2021.

Khi được hỏi về tính bền vững của đà tăng trưởng, vị CEO khẳng định SVB đang ở trung tâm của một nền kinh tế đổi mới.

Vấn đề là FDIC chỉ đảm bảo cho các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 250.000 USD. Và khách hàng của SVB nắm giữ nhiều hơn thế. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn tiền gửi tại nhà băng này không được bảo hiểm.

Tính đến ngày 31/12, tỷ lệ này lên tới 93%.

Trong một thời gian, những con số này không phát đi bất cứ cảnh báo nào. SVB dễ dàng vượt qua các rào cản pháp lý về tình hình tài chính.

Rủi ro tiềm tàng

Nhưng bên dưới phần nổi của tảng băng là những cơn sóng ngầm. Trong thời kỳ tiền gửi tăng trưởng nhanh, SVB ồ ạt mua các trái phiếu dài hạn và né được mọi sự kiểm soát nhờ những quy tắc về kế toán.

Tính đến cuối năm ngoái, khoản lỗ tính theo thị giá của SVB đối với các chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn đã vượt quá 15 tỷ USD, gần như bằng toàn bộ vốn chủ sở hữu 16,2 tỷ USD.

Nhưng sau khi ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý IV năm ngoái, các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan. Một nhà phân tích của Bank of America cho rằng SVB có thể "đã vượt ngưỡng áp lực tối đa".

Nhưng trong cuộc họp vào cuối tuần trước, bộ phận dịch vụ đầu tư của Moody's đã thông báo một tin xấu. Các khoản lỗ chưa thực hiện có thể khiến SVB bị hạ hơn một cấp tín nhiệm.

SVB đáng lẽ phải chú ý tới những điều cơ bản trong hoạt động của ngân hàng. Các khách hàng gửi tiền giống nhau sẽ hành động theo những cách giống nhau vào cùng một thời điểm

Ông Daniel Cohen - cựu Chủ tịch The Bancorp

Điều đó đặt nhà băng này vào một tình thế khó khăn. Để hỗ trợ bảng cân đối kế toán, SVB phải bán phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu thua lỗ để tăng thanh khoản. Động thái này sẽ khiến khách hàng lo ngại, nhưng việc nằm im chờ bị hạ cấp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn.

Với sự cố vấn của Goldman Sachs Group, SVB quyết định bán khoản đầu tư và huy động thêm 2,25 tỷ USD. Đến ngày 8/3, Moody's đã hạ cấp tín nhiệm ngân hàng này.

Thời điểm đó, nhiều quỹ tương hỗ và phòng hộ lớn vẫn rất quan tâm tới việc mua cổ phần của SVB, cho tới khi họ nhận ra tiền đang chảy khỏi ngân hàng này với tốc độ chóng mặt.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào ngày hôm sau. Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

Chiều ngày 9/3, SVB liên hệ với các khách hàng lớn nhất, nhấn mạnh rằng họ được định giá cao, có bảng cân đối kế toán lành mạnh, thanh khoản dồi dào và linh hoạt.

Trong cuộc họp qua điện thoại của mình, ông Becker trấn an các khách hàng của mình: "Hãy bình tĩnh". Nhưng nước lúc này đã dâng tới chân.

"SVB đáng lẽ phải chú ý tới những điều cơ bản trong hoạt động của ngân hàng. Các khách hàng gửi tiền giống nhau sẽ hành động theo những cách giống nhau vào cùng một thời điểm. Các chủ ngân hàng luôn đánh giá quá cao mức độ trung thành của khách hàng", ông Daniel Cohen - cựu Chủ tịch The Bancorp - bình luận.

Một khách hàng của SVB đã quyết định chuyển một phần tài khoản tiền gửi sang JPMorgan để đa dạng hóa tài sản vào ngày 9/3. Suốt 2 tiếng, màn hình giao dịch chỉ đứng im với dòng chữ "đang xử lý".

Sáng ngày hôm sau, khách hàng đó tìm cách chuyển nhiều tiền hơn, nhưng đều không thành công.

Sự sụp đổ diễn ra chóng vánh trong ngày 10/3. SVB từ bỏ kế hoạch huy động thêm tiền sau khi cổ phiếu bốc hơi 60% giá trị. Vào thời điểm đó, các cơ quan quản lý đã có mặt tại văn phòng của ngân hàng ở California.

"SVB không có đủ số vốn cần thiết", ông William Isaac, cựu Chủ tịch của FDIC từ năm 1981 đến năm 1985, bình luận trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 10/3.

"Sẽ không thể ngăn chặn một khi nó đã sụp đổ. Đó là lý do SVB bị đóng cửa", ông này nói thêm.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : svb , ngân hàng
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến