Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng đối với ông Phan Tấn Đạt (cư trú tại TP.HCM) do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Theo UBCK, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch của DRH Holding (DRH) đã bán 150.000 cổ phiếu DRH cách đây gần một năm nhưng không thực hiện báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Hiện tượng mua bán cổ phiếu không báo cáo về dự kiến giao dịch khá phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK).
Bà Lê Thị Ngọc Thúy - em dâu bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) bị phạt 20 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Bà Thúy đã mua 20.000 cổ phiếu VNM và bán 20.000 cổ phiếu VNM từ ngày 11/1 đến ngày 20/1.
UBCKNN cũng ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hải Trường và ông Đặng Phú Quý.
Ông Nguyễn Hải Trường bị phạt 100 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Ông Trường đã mua gần 3,7 triệu cổ phiếu của Xây dựng và Kinh doanh vật tư (CNT), tương đương gần 38% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định.
Ông Quý bị phạt 5 triệu đồng cũng với lý do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Ông Đặng Phú Quý là Thành viên HĐQT Đường Quảng Ngãi (QNS) thực hiện mua 10.000 cổ phiếu QNS tại ngày 15/9/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Sai phạm trên thị trường chứng khoán còn khá nhiều.
Đầu tháng 7, UBCK cũng xử phạt đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 85 triệu đồng do không báo cáo về Nghị quyết HĐQT số 129/NQ-HĐQT.21.00 ngày 16/3 thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán ra công chúng năm 2021, báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2020 đã soát xét. Ngân hàng này còn báo cáo không đúng thời hạn báo cáo thường niên 2019, BCTC quý IV/2019 riêng và hợp nhất, BCTC riêng quý IV/2020.
Trong năm 2020, UBCK đã ban hành tổng cộng 216 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (giảm 68 vụ so với năm 2019). Trong đó, có 6 vụ thao túng giá và 2 vụ xử phạt với số tiền thu về hơn 1 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với mức đa số thường thấy khoảng 500-600 triệu đồng đối với mỗi vụ thao túng giá. Không không có vụ nào bị khởi tố hình sự.
TTCK từng ghi nhận 4 vụ thao túng giá chứng khoán đã bị khởi tố hình sự (vụ thao túng giá cổ phiếu DVD khởi tố năm 2010, vụ MTM khởi tố năm 2016, vụ CDO khởi tố năm 2017 và mới nhất là vụ KSA khởi tố năm 2019).
Tình trạng sai phạm về công bố thông tin và thao túng trên TTCK xảy ra khá nhiều những năm qua. Cơ quan quản lý có xu hướng đẩy mạnh xử phạt nhằm giảm các vi phạm. Dự kiến từ năm 2022, nhà quản lý sẽ áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán và công khai các quyết định xử phạt trên TTCK Việt Nam.
Trong dự thảo mới đây, mức xử phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức. Đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân.
Quy định trước đây không phân biệt người vi phạm là tổ chức hay cá nhân đều phạt 10 lần khoản thu trái quy định. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 t ỷđồng đối với cá nhân.
Dự thảo còn đề cập đến mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của Sở Giao dịch chứng khoán trong quản lý niêm yết, đăng ký giao dịch, vi phạm quản lý thành viên... cao nhất lên 400 triệu đồng. Phạt từ 300-400 triệu đồng đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán không tạm ngừng, đình chỉ giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật hoặc quy chế giao dịch của Sở trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá mạnh. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy cũng lớn.
Theo SHS, trên góc nhìn sóng elliott, VN-Index tiếp tục nằm trong sóng điều chỉnh sau khi đánh mất đường hỗ trợ MA20 ngày vào phiên 6/7 với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1210 điểm. Thị trường có thể sẽ điều chỉnh lại trong phiên tiếp theo nếu như lực cầu mua lên tiếp tục suy yếu.
Dự báo, trong phiên giao dịch 16/7, thị trường có thể tiếp tục biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1260-1300 điểm (fibonacci retracement 31,8% sóng tăng 5 - ngưỡng tâm lý).
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 15/7, chỉ số VN-Index tăng 14,01 điểm lên 1.293,92 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 9,45 điểm lên 306,3 điểm. Upcom-Index tăng 0,42 điểm lên 84,98 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 17,7 nghìn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy